admin
VÌ MỘT NIỀM TIN MÙ QUÁNG
Có những cuộc chiến tranh nổ ra không phải vì chủ nghĩa dân tộc hay lợi ích lãnh thổ mà bắt nguồn từ một niềm tin mù quáng.
Đó là niềm tin vào công dụng chữa bách bệnh của sừng tê giác. Liệu đã có ai đưa ra được bằng chứng xác thực? Chỉ có bằng chứng cho rằng sừng tê giác có thành phần keratin, chẳng khác gì móng tay người. Nhưng lạ lùng thay, những lô hàng sừng tê vẫn âm thầm được tuồn vào Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu "chữa bệnh" hoặc "thể hiện đẳng cấp".
Ngoài kia, đâu đó ở Châu Phi, súng vẫn nổ và máu vẫn đổ trên những khu bảo tồn tê giác.
Máu của tê giác, máu của kiểm lâm và máu của những kẻ săn trộm. Dù người ngã xuống là ai thì đó cũng là sinh mạng và mất mát là không thể phủ nhận. Những tê giác con sẽ vĩnh viễn không được gặp lại mẹ. Những vợ hiền, con thơ sẽ mãi mãi chẳng thấy người chồng, người cha mình trở về. Và những gia đình nghèo sống dựa vào đồng tiền săn trộm sẽ càng lún sâu vào vòng xoáy của đói nghèo và tội ác.
Vì một niềm tin mù quáng, tất thảy những xung đột, đau thương đó liệu có đáng?
Bi kịch này chỉ có thể được tháo gỡ khi nhu cầu cho sừng tê giác không còn nữa. Điều này một phần nằm trong tay người dân tại Việt Nam - thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới. Thay đổi nhận thức và hành động về việc tiêu thụ sừng tê giác không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với loài tê giác mà cả đối với người dân tại Châu Phi.
Ảnh: Nico Jacobs.
Tags:
Câu chuyện tối thứ 71800 1522