admin
Giảm tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) là một cách tiếp cận tích cực để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép ĐVHD. Giai đoạn 2003-2010 đã có 14 dự án ODA (hơn 07 triệu USD)[1] liên quan đến bảo tồn, quản lý, kiểm soát buôn bán và tiêu thụ ĐVHD được thực hiện ở Việt Nam, trong đó có một số dự án gần đây triển khai theo hướng giảm tiêu dùng sản phẩm ĐVHD. Kết quả và cũng là điểm nổi bật của các dự án này chính là các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, các diễn đàn đối thoại, thảo luận trong nước và quốc tế, các chỉ thị và cam kết… huy động được sự quan tâm và tham gia của nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá được tác động thực tế của các dự án này trong thay đổi thái độ, cam kết và hành vi của các nhóm đối tượng cũng như bằng chứng về xu hướng giảm tiêu thụ ĐVHD trong xã hội. Đó chính là lý do cần nhìn nhận lại cách tiếp cận và mục tiêu của các dự án về giảm tiêu thụ ĐVHD trái phép trong bối cảnh Việt Nam hiện nay để xây dựng được các chiến lược can thiệp hiệu quả hơn.
Từ hiện trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng ĐVHD…
Thống kê của Cục Kiểm lâm từ năm 2007-2013 cho thấy số lượng các vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ ĐVHD hàng năm có xu hướng giảm dần. Báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (C49, Bộ Công an)[2] cũng cho rằng công tác đấu tranh của các lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng và kiểm lâm đã làm giảm số vụ vi phạm bị phát hiện và ngăn chặn tội phạm liên quan tới ĐVHD. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD quý hiếm vẫn chưa được kiểm soát. Theo đó, tình hình vận chuyển, kinh doanh ĐVHD trong nội địa có giảm so với trước, nhưng vẫn tồn tại việc lợi dụng hoạt động gây nuôi để chuyển bán sang thị trường Trung Quốc một số động vật nhóm IB, IIB có lợi nhuận kinh tế cao như rắn hổ mang chúa, tê tê, rùa biển. Hoạt động buôn bán, sử dụng cho kinh doanh ẩm thực được quản lý tốt hơn, không công khai nhưng vẫn còn tồn tại.
Tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD trái phép những năm gần đây diễn biến khá phức tạp, nhất là đối với sừng tê giác, ngà voi, hổ, tê tê, rùa biển. Hoạt động vận chuyển, buôn bán ĐVHD diễn ra trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Trong đó, vấn nạn đang phải đối mặt hiện nay là tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi từ Châu Phi về Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển. Việt Nam hiện bị xem là quốc gia trung chuyển mẫu vật hoang dã lớn nhất thế giới[3]. Số liệu của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho thấy trong vòng 10 năm (kể từ 2004), các cơ quan pháp luật đã bắt giữ 150 kg sừng tê giác và trên 25 tấn ngà voi vận chuyển trái phép về Việt Nam, là số lượng bị bắt giữ thuộc diện nhiều nhất thế giới. Thời kỳ cao điểm đã có khoảng 30 người Việt Nam bị bắt giữ và phạt tù vì săn bắn, vận chuyển, buôn bán sừng tê giác, ngà voi ở Nam Phi. Trong khi đó, số lượng tê giác bị giết hại ở Nam Phi năm 2013 và 2014 được chính thức công bố tương ứng là 1004 và 1215 cá thể. Tuy nhiên, chưa có số liệu chính thức, cập nhật nào công bố về lượng sừng tê giác được trung chuyển hoặc tiêu thụ tại Việt Nam.
… xác định lại đối tượng mục tiêu và địa bàn tiếp cận
Thị trường mua bán trái phép các sản phẩm ĐVHD được hình thành và liên kết bởi mạng lưới bên cung, bên cầu và các bên trung gian. Theo nghiên cứu của WCS (2009), nguồn cung sản phẩm ĐVHD trên thị trường là các thợ săn Việt Nam (ở trong nước, nước ngoài), thợ săn nước ngoài (ở nước họ) và các trang trại ĐVHD trước khi „qua tay“ chủ bán buôn (đầu nậu). Trong khi đó, bên tiêu thụ chủ yếu là những người được xem là có tiền (doanh nhân, quan chức, đại gia, chủ trang trại ĐVHD) hay những người có lý do cá biệt (bệnh nhân có nhu cầu thuốc Đông y). Các điểm giao dịch nơi diễn ra mua bán ĐVHD và sản phẩm của chúng rất đa dạng: từ nhà hàng, nhà thuốc Đông y, cửa hàng trang sức, lưu niệm, trang trại ĐVHD đến giao dịch qua các diễn đàn trực tuyến. Do đó, nỗ lực giảm tiêu thụ các sản phẩm này từ phía có nhu cầu sẽ rất khó thành công nếu nguồn cung không bị ngăn chặn và thị trường mua bán, giao dịch trái phép không bị xóa bỏ.
Với các sản phẩm ĐVHD trái phép có giá trị mua bán cao như sừng tê giác, ngà voi, xương hổ, đối tượng có nhu cầu mua để sử dụng, biếu tặng hay chế biến nhất định phải là những người có dư năng lực tài chính và quan hệ xã hội. Trong số này, doanh nhân cần được xem như là nhóm tiềm năng nhất, phù hợp nhất mà các dự án hướng đến giảm nhu cầu cần can thiệp. Với diễn giải đó, các hoạt động dự án trước đây vốn nhằm vào đối tượng thanh niên, sinh viên, học sinh (khu vực đô thị) nhằm tạo kênh thông tin gián tiếp tác động đến người tiêu dùng ĐVHD là cách tiếp cận mơ hồ và ít có hiệu quả về mặt chi phí và thời gian vì đó không phải là nhóm đối tượng chủ động cung cấp hoặc có nhu cầu sử dụng ĐVHD. Nếu các dự án tiếp tục đặt kỳ vọng vào đối tượng này thì phải xem đó là mục tiêu dài hạn, và cần phải giải quyết bằng các hành động có tính hệ thống, chiến lược hơn.
Tang vật bị thu giữ trong một vụ buôn bán ĐVHD. Ảnh: PanNature
Ngoài ra, nỗ lực giảm tiêu thụ sừng tê giác, ngà voi cũng phải được tiến hành đồng thời với ngăn chặn các nguồn cung cấp từ bên ngoài vào Việt Nam. Thực tiễn đấu tranh và ngăn chặn các vi phạm liên quan đến ĐVHD cho thấy các sân bay quốc tế (như Nội Bài, Tân Sân Nhất, Đà Nẵng), cảng biển/sông (như Hải Phòng) và các khu kinh tế/chế xuất có cảng (như Vũng Áng), và các cửa khẩu biên giới giáp Campuchia, Lào và Trung Quốc là những điểm đến của các nguồn hàng trái phép tuồn vào Việt Nam hoặc trung chuyển qua nước khác. Do vậy, nhóm đối tượng mục tiêu mà các dự án cần hỗ trợ tác động (về nâng cao nhận thức hoặc tuân thủ luật pháp) chính là thương nhân, khách xuất cảnh đi du lịch nước ngoài (hoặc nhập cảnh về Việt Nam), bốc dỡ và vận tải bến cảng, lực lượng hải quan, biên phòng, an ninh. Với cách tiếp cận phòng ngừa này, các dự án cũng cần hợp tác với các đại sứ quán (nơi cấp visa cho thương nhân, cán bộ, du khách Việt Nam), các công ty dịch vụ du lịch, taxi sân bay, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp, các trung tâm hội nghị/hội thảo lớn để làm cầu nối thông tin đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao về vận chuyển và buôn bán trái phép ĐVHD. Những tiếp cận trên không loại trừ yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng hơn để giám sát, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các nguồn sản phẩm trái phép vào Việt Nam.
(Nguồn: WCS, 2009)
Cần các nỗ lực tổng thể hơn
Hầu hết các dự án và cơ quan chính sách đều thống nhất và tiếp cận giải quyết vấn đề giảm tiêu thụ ĐVHD từ giả thuyết và cũng là nhận thức rất phổ biến rằng thiếu hiểu biết là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến các đối tượng tham gia buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái phép ở Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp cận này có thể thiếu chắc chắn vì mối liên hệ giữa nhận thức, thái độ với hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD vẫn chưa thực sự rõ ràng. Khảo sát tại TP Hồ Chí Minh của tổ chức Wildlife at Risk mô tả đối tượng sử dụng ĐVHD tại các nhà hàng đa số thuộc độ tuổi từ 20-50 và có trình độ học vấn khá cao. Điều trớ trêu là những thực khách này tỏ ra rất quan tâm đến tương lai của các loài ĐVHD ở Việt Nam cũng như mối liên hệ giữa ĐVHD và dịch bệnh ảnh hưởng đến con người (Hòa, Shaw, & Khôi, 2004). Hay nghiên cứu của Drury (2009) tại địa bàn Hà Nội cho hay dù nhiều người dân ở khu vực trung tâm thủ đô nhận thức được nguyên nhân suy giảm các loài ĐVHD là do con người, nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD. Các nghiên cứu tâm lý học hành vi cũng đã chỉ rõ không có sự liên hệ trực tiếp, xuôi chiều rằng khi nhận thức được nâng cao, thái độ thay đổi tích cực sẽ dẫn đến thay đổi hành vi của các cá nhân. Có một giả thiết khá chắc chắn là các cá nhân tham gia vận chuyển, buôn bán, thậm chí cả sử dụng sừng tê giác đều ý thức được hành vi của họ là trái pháp luật. Vì vậy, cần có cách tiếp cận sát hơn với mạng lưới các nhóm (có nguy cơ) này, vừa làm giảm các động cơ tiêu dùng ĐVHD của họ, vừa khuyến khích họ tham gia tích cực các cơ chế hướng đến giảm tiêu dùng ĐVHD.
Với mục tiêu giảm tiêu thụ sừng tê giác, ngà voi, các tổ chức cần phối hợp và xây dựng một chiến lược hoặc chương trình chung được điều phối nhằm tác động đến nhóm doanh nghiệp, doanh nhân. Thay vì chỉ tổ chức các sự kiện đơn lẻ, cung cấp thông tin một chiều, cần thiết lập một liên minh có sự tham gia của cơ quan quản lý (đại diện các bộ/ngành liên quan), các hiệp hội doanh nghiệp (như VCCI, phòng thương mại nước ngoài, hiệp hội khách sạn, ngân hàng,…), các đại sứ quán, các tổ chức bảo tồn, cơ quan truyền thông… Liên minh này có thể xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn với mục tiêu gắn kết doanh nghiệp, doanh nhân vào các nỗ lực ngăn chặn sử dụng ĐVHD trái phép, tham gia các sáng kiến bảo tồn ĐDSH, và tạo lập các hệ thống tiêu chuẩn, giá trị mới có tính tự nguyện trong hoạt động của doanh nghiệp. Liên minh này cần có sự ủng hộ chính trị bằng sự hiện diện của các quan chức lãnh đạo nhà nước cấp cao, thu hút cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tham gia và cần duy trì hoạt động thông qua các sự kiện theo định kỳ và lồng ghép với hoạt động của các hiệp hội. Bên cạnh việc thiết lập các diễn đàn thảo luận về trách nhiệm xã hội-môi trường của doanh nghiệp gắn liền với bảo tồn ĐHVD; giao lưu với các doanh nhân và tập đoàn quốc tế là thành viên của các tổ chức bảo tồn toàn cầu, liên minh này cũng có thể vận động doanh nghiệp, doanh nhân thành lập Quỹ doanh nhân tham gia bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam, khởi sự bằng các tài trợ nhỏ nhằm tăng cường mối quan hệ doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về BTTN. Quan trọng hơn, Liên minh có thể khởi xướng sáng kiến lồng ghép trách nhiệm bảo tồn ĐVHD vào trong hệ thống tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp như là cách để lan tỏa các giá trị về trách nhiệm tự nguyện về BVMT của tất cả các cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, chỉ như vậy hẳn là chưa đủ để đối phó với nạn buôn bán và sử dụng ĐVHD. Theo Văn phòng CITES trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam đang tham gia khoảng 20 thể chế và cam kết quốc tế, cho thấy mức độ sẵn sàng về hợp tác quốc tế để cùng giải quyết vấn nạn toàn cầu như vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD. Song, chế tài hiện hành của Việt Nam về xử lý hành chính và hình sự các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ ĐVHD trái phép chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Theo Cục Kiểm lâm, từ năm 2011-2013, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và quyết định khởi tố 1.028 vụ án hình sự với 1.233 bị can trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhưng chỉ có 153 vụ được xét xử (tương đương 15%)[4]. Việc xử lý hình sự các tội về ĐVHD còn hạn chế, và hầu hết mới xử lý các đối tượng trung gian vận chuyển chứ ít hoặc chưa “đánh mạnh“ vào các đối tượng, chủ mưu cầm đầu, làm giảm hiệu quả ngăn chặn và phòng ngừa. Do lợi nhuận chỉ đứng sau buôn bán ma túy[5] nên việc chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm về ĐVHD bị giới hạn mức tối đa bởi Luật Xử phạt vi phạm hành chính (1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng với tổ chức) là rất khó để chấm dứt được hoạt động của các mạng lưới vận chuyển, buôn bán có tổ chức này. Ngoài ra, cách tiếp cận giải quyết theo vụ việc đối với hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép cũng ít mang lại hiệu quả bởi đây là hoạt động tội phạm phức tạp, nguy hiểm, có tổ chức, kết nối thành mạng lưới xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao để liên lạc… Chỉ khi Bộ Luật Hình sự nâng cao chế tài xử phạt với nhóm tội phạm liên quan đến ĐVHD thì mới có khả năng tác động mạnh hơn đến nhận thức và quyết định của các cá nhân liên quan.
[1] Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT (ICD-MARD).
[2] Cục Cảnh sát PCTP về Môi trường, Bộ Công an: Công tác đầu tranh, xử lý vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Tài liệu Hội thảo Bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Bộ TN-MT, Ủy ban KHCNMT, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức ngày 24/11/2014
[4] Cục Kiểm lâm, Thực trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐTVD nguy cấp, quý hiếm(Tài liệu Hội thảo Bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Bộ TN&MT, Ủy ban KH, CN & MT, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức ngày 24/11/2014)
Nguồn: thiennhien.net
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522