Ông Nguyễn Văn Cao ở ấp 4 (trái) xót của nhìn vườn mía tan hoang sau chỉ 1 đêm. Chỉ sau một đêm, hơn 2 mẫu mía chuẩn bị thu hoạch bị đàn voi rừng quần nát, hầu như mất trắng, ông Cao chỉ còn biết đứng tần ngần tiếc của, tiếc công chăm sóc mía suốt một năm qua.
“
Rồi tới đây, lấy mía đâu để cung cấp cho nhà máy khi đã nhận hỗ trợ kỹ thuật, phân bón? Lấy đâu tiền để trả ngân hàng khi kỳ hạn trả nợ đã đến? Chả nhẽ bây giờ vào rừng tìm “ông voi” để đòi!” – ông Cao tự hỏi.
Voi về, người khócTheo số liệu thống kê của Trạm KLĐB Thanh Sơn – Ngọc Định, từ tháng 5.2012 đến nay đã có gần 100 hộ dân của xã Thanh Sơn bị đàn voi rừng tàn phá hoa màu, nhà cửa. Trong đó, có nhiều hộ bị mất trắng hoa màu sau nhiều lần bị đàn voi rừng viếng thăm. Điển hình là hộ ông Tô Văn Tùng, ông Nguyễn Văn Cao bị phá từ 3 – 4 lần, gây thiệt hại gần 70.000m2 mía trồng năm thứ hai.
Ông Tùng than thở: “
Bãi mía của tôi trồng lên nhờ hỗ trợ phân bón, kỹ thuật của Cty mía đường La Ngà, đổi lại tôi phải cung cấp mía thu hoạch cho nhà máy. Nhưng nay mía đã bị đàn voi rừng phá trắng, không còn mía, tiền nợ ngân hàng lên hàng chục triệu đồng, biết làm sao bây giờ?”.
Hầu như đêm nào đàn voi rừng cũng về xã Thanh Sơn kiếm ăn, nên ông Tân đều phải cùng công an xã và người dân trực chiến. Điều ông Tân lo lắng nhất chính là xung đột giữa người và voi kéo dài, dai dẳng như hiện nay nếu không được giải toả thì sớm muộn cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Tân nói:
Voi là loài có trí nhớ rất tốt. Thực chất, việc đàn voi rừng trở lại xã Thanh Sơn thời gian qua chỉ là “trở về nhà” bởi toàn bộ diện tích xã Thanh Sơn bây giờ trước đây là rừng xanh và là địa bàn sinh sống của đàn voi này. Đã vậy, khi “trở về”, chúng còn gặp ngay những nương bắp, bãi mía, vườn chuối là món ăn khoái khẩu nên càng thường xuyên. Ngày trước, rừng nơi này khá đa dạng với nhiều loại cây gỗ lớn, xen kẽ dây leo, tạo thành rừng có cấu trúc tầng, rất thích hợp cho các loài động vật phát triển, trong đó có voi. Thế nhưng đến nay, khu vực này chỉ còn lưa thưa vài cây dầu, bằng lăng nằm cách nhau vài chục mét, còn lại đi đâu cũng là dấu vết của con người với những vườn quýt, rẫy bắp và đường đi chọc thẳng vào bìa rừng.
Từ khi bị con người giành đất sống, voi buộc phải di chuyển vào rừng sâu tìm địa bàn sinh tồn mới. Khi khan hiếm thức ăn, đàn voi đi ngược trở ra, tìm về chốn cũ và gây nên xung đột với con người, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển bầy đàn của đàn voi và cả cuộc sống của con người. “
Hoa màu là nguồn thu nhập chính của người dân ở đây, nếu tình trạng này cứ liên tục xảy ra khi đàn voi cướp miếng cơm manh áo của người dân thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của đàn voi rừng này” – ông Tân lo lắng.
Điều lo lắng của ông Tân là có cơ sở bởi cách đây không lâu, con voi già duy nhất ở rừng phòng hộ Tân Phú bị giết tại tiểu khu 88, thuộc ấp 9, xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Theo nhận định của cơ quan chức năng, từ nhiều năm nay, cá thể voi này sống một mình trong khu vực thuộc BQL rừng phòng hộ Tân Phú rộng 14.000ha và thường ra khu dân cư ăn mía và các loại cây trái của người dân. Sau khi con voi già này chết thì đàn voi rừng bắt đầu di chuyển sang địa bàn xã Thanh Sơn để hoạt động. Và cuối năm 2010, một người dân ấp 2, xã Thanh Sơn dùng xe máy đi rà điện bắt cá tại khu vực suối Đá Bàn, gần VQG Cát Tiên thì gặp voi và bị đạp chết.
Nguy cơ xoá sổ đàn voiÔng Tôn Hà Quốc Dũng – Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên – Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai - cho biết: Chỉ trong 3 năm từ năm 2009 - 2011, trên các cánh rừng của tỉnh Đồng Nai đã có 9 con voi chết, trong đó 4 con chết tại Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hoá Đồng Nai, 3 con chết tại lâm trường I – Cty La Ngà, 1 con chết tại VQG Cát Tiên và 1 con voi đực một ngà chết tại BQL rừng phòng hộ Tân Phú. Tất cả đều được xác định bước đầu là do con người giết. “
Nếu không có biện pháp kịp thời để bảo vệ những con voi cuối cùng thì tương lai đàn voi rừng tại tỉnh Đồng Nai chỉ còn trong tưởng tượng” – ông Dũng cảnh báo.
Ông Trọng (góc phải) đã nhiều đêm thức trắng để bảo vệ vườn xoài đang vào vụ thu hoạch.Các chuyên gia bảo tồn lo ngại, với đà suy giảm như hiện nay thì nguy cơ tuyệt chủng đàn voi rừng ở khu vực rừng Đồng Nai là rất cao. Đặc biệt, lo ngại nhất là việc xung đột giữa voi và người với mật độ dày đặc sẽ không kiểm soát được việc nhiều người chọc phá, đánh, xua đuổi voi, vừa ảnh hưởng đến voi, vừa nguy hiểm cho người dân. Hiện nay, người dân khi phát hiện voi rừng xuất hiện, thường dùng các phương pháp truyền thống như tẩm dầu vào vải để đốt lửa đuổi voi, ném bình gas nhỏ gây nổ để voi sợ. Tuy nhiên, do sau mỗi lần xua đuổi, voi dần quen với các phương pháp này, nên từ từ mức độ hung hãn càng tăng lên, dễ dẫn đến việc truy đuổi, tấn công người.
Để chủ động phát hiện voi từ xa, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai đã lập nhiều chòi canh có độ cao 20 mét, cử người trực gác thường xuyên. Nếu phát hiện voi vào gần nhà dân sẽ dùng còi điện, đèn chiếu để xua đuổi voi. Tại hai huyện Vĩnh Cửu và Định Quán, chính quyền đã lập hẳn một đội phản ứng nhanh với voi rừng. Đội này có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động dân không ra vườn, thăm rẫy vào buổi tối, không được đốt lửa đuổi voi để đề phòng cháy rừng, đồng thời khi phát hiện voi cần phải có giải pháp xua đuổi ngay, để tránh thiệt hại cho người dân.
Ông Lê Việt Dũng – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai - nói: Tại những nơi đàn voi quần phá và ăn hoa màu, người dân sinh sống rải rác thành nhiều cụm, xen lẫn trong các khu rừng, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, sống lệ thuộc vào đất rừng, rừng và các lâm sản phụ với thu nhập chưa tới 700.000 đồng/người/tháng nên tiềm ẩn nguy cơ cao về xung đột giữa voi và người.
Voi rừng ở Đồng Nai đang đứng trước nhiều nguy cơ đe doạ như vùng phân bố bị thu hẹp, bị tác động, sinh cảnh xuống cấp, thiếu thức ăn và muối khoáng, xung đột giữa người và voi ngày càng gia tăng. Theo ông Dũng, đàn voi rừng ở Đồng Nai có cơ cấu đàn tốt, gồm cả voi cái, voi đực và mới đây còn đẻ thêm 2 voi con. Bởi vậy, biện pháp bảo vệ kịp thời để phát triển đàn voi, tăng khả năng phục hồi, giúp nó phát triển ổn định thành quần thể lớn hơn đang là vấn đề hết sức khẩn thiết.
Tin vui là theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, một dự án có tên “Bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai đến năm 2020” tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hoá Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu), Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú), Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán) với diện tích trên 133.000ha, tổng kinh phí 75,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, đã được tỉnh Đồng Nai trình lên Bộ NNPTNT và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án khi được triển khai sẽ xây dựng các điểm bổ sung muối khoáng trong rừng nhằm cung cấp thêm thức ăn là muối cho voi, hạn chế voi ra khu vực dân cư để tìm muối, thành lập các lực lượng phản ứng nhanh...
Đặc biệt, dự án còn xây hàng rào điện bằng hệ thống năng lượng mặt trời để xua đuổi các đàn voi rừng hoang dã về phá hoại mùa màng, nhưng không làm nguy hại đến voi; dùng nguồn điện thế cao (< 12mA) để gây giật, hoảng sợ nhưng không làm chết cả voi lẫn người cũng như không ảnh hưởng đến các loài khác. Tổng chiều dài hàng rào điện 50km, trong đó hàng rào cố định là 30km đi qua các xã Mã Đà của huyện Vĩnh Cửu và Thanh Sơn của huyện Định Quán; hàng rào điện di động 20km được xây dựng thành nhiều điểm khác nhau và có thể di chuyển theo chu kỳ hoạt động của đàn voi...
Là kể vui thế, chứ dự án trên khi nào được phê duyệt để triển khai, đến thời điểm này, không có cơ quan chức năng nào ở Đồng Nai có câu trả lời chính xác. Cũng như không ai dám khẳng định với tôi, liệu rằng trong khi chờ dự án, “cuộc chiến” tranh giành lãnh địa và bảo vệ tài sản giữa đàn voi rừng và người ở Đồng Nai trong những ngày tới, phần thắng sẽ nghiêng về bên nào, kết cục và hậu quả sẽ ra sao...
Theo Laodong.com.vn