Cán bộ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh hướng dẫn người dân
phát dọn thực bì, chuẩn bị hiện trường trồng rừng.
Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh trồng được 30.411 ha rừng, trong đó diện tích trồng rừng năm 2008 là 2.839 ha; năm 2009 trồng hơn 5.205 ha; năm 2010 trồng 12.610 ha; năm 2011 trồng 6.807 ha và 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh trồng mới được 2.950 ha.
Diện tích rừng nói trên được người dân các huyện miền núi trong tỉnh trồng và thực hiện theo Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 10-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, phong trào trồng rừng sản xuất những năm qua đã, đang phát triển rộng khắp và bước đầu đem lại những kết quả khả quan, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn, đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ làm nghề rừng, góp phần đưa độ che phủ của rừng từ 36,3% năm 1999 lên 49,1% năm 2011, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai lũ lụt, điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Kết quả nêu trên mới là bước đầu, mục tiêu phương án trồng mới và cải tạo rừng sản xuất tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2008–2015 đề ra là toàn tỉnh sẽ trồng mới và trồng lại rừng bằng phương pháp thâm canh 119.586 ha. Trong đó, trồng cây gỗ lớn, gỗ nhỡ 37.086 ha; trồng cây gỗ nhỏ 68.400 ha, trồng luồng 14.100 ha. Đưa độ che phủ của rừng tăng thêm 6%, góp phần giảm thiểu xói mòn và thoái hóa đất, điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ ống, lũ quét, bảo vệ môi trường sinh thái. Giải quyết căn bản tình trạng phá rừng làm nương rẫy, hạn chế nguy cơ cháy rừng, góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong khu vực. Đặc biệt, với vùng nguyên liệu mới và ổn định trên, toàn tỉnh sẽ có khoảng 5.563.000 m3 gỗ lớn; 8.208.000 m3 gỗ nhỏ; 8,4 triệu cây luồng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy, doanh nghiệp chế biến lâm sản. Đồng thời, đưa tổng giá trị lâm sản tăng so với trước khi thực hiện phương án khoảng 11.374,6 tỷ đồng, trong đó giá trị của loại gỗ lớn là 6.675 tỷ đồng, gỗ nhỏ là 4.515 tỷ đồng, luồng 84,6 tỷ đồng. Làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở miền núi thông qua việc hình thành các vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp tập trung, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tăng thu ngân sách tích lũy để tái đầu tư phát triển rừng. Đặc biệt, nguồn lợi từ rừng còn giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 hộ dân, với 150.000 lao động tại 25 huyện, thị xã nằm trong vùng quy hoạch trồng rừng.
Để công tác trồng rừng theo Quyết định 147 của tỉnh tiếp tục tạo ra những con số ấn tượng, hiện nay ngành lâm nghiệp, các đơn vị được giao triển khai đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới. Trước hết, 25 huyện, thị xã nằm trong vùng quy hoạch tiến hành rà soát lại việc giao đất, giao rừng, thu hồi và xử lý những trường hợp sử dụng sai mục đích; tiếp tục giao đất, giao rừng, cho thuê rừng đối với diện tích UBND xã đang tạm quản lý. Quy hoạch các nguồn giống, hệ thống vườn ươm bảo đảm đủ giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng; các vùng nguyên liệu giấy, ván dăm, đồ mộc... Đặc biệt, trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy. Mặt khác, đối với những diện tích rừng trồng mới và cải tạo, cần đồng bộ trong việc thực hiện trồng rừng theo phương thức thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Ưu tiên phát triển các cơ sở chế biến có quy mô lớn, công nghệ cao để tiết kiệm tài nguyên và không làm ô nhiễm môi trường. Khuyến khích phát triển các làng nghề, tổ hợp, HTX sản xuất, chế biến lâm sản như: đồ mộc, thủ công mỹ nghệ, cót ép, ván luồng... Trong chuỗi những giải pháp ấy, giải pháp về vốn vẫn là “bài toán” khó đối với các địa phương. Bởi, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước theo kế hoạch hàng năm, thì việc tự cân đối các nguồn thu từ bán cây đứng, thuế tài nguyên... để thực hiện hỗ trợ công tác trồng rừng cho các hộ dân xem ra chưa có “lời giải”. Đồng thời, việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của các hộ dân tại các Ngân hàng Chính sách xã hội là rất khó khăn. Trong khi đó, đa phần người dân tham gia trồng rừng là đồng bào các huyện miền núi, đời sống kinh tế gia đình đang còn nhiều khó khăn nên huy động nguồn vốn tự có gần như là không thể. Vậy là, giải pháp về vốn hỗ trợ trồng rừng cho các hộ dân vẫn rất cần bàn tay can thiệp của Nhà nước.
Bài và ảnh: Hòa Bình
Theo
Baothanhhoa.vn