Các nhà bảo tồn động vật cho rằng, 11 trang trại hổ đã đăng ký hoạt động của Việt Nam có tham gia một phần trong thị trường đen buôn bán các bộ phận hổ bất hợp pháp dùng cho các mục đích xấu.
Ảnh được chụp vào ngày 4/7/2012 tại một trang trại nuôi hổ ở tỉnh Bình Dương, Việt Nam.
Bức ảnh cho thấy nhân viên trang trại đang kích động hổ nuôi nhốt bằng chiếc dép nhựa của mình .
Các nhà bảo tồn cáo buộc 11 trại nuôi hổ đã đăng ký chỉ mắt xích trong một thị trường các
bộ phận hổ bất hợp pháp đang phát triển mạnh (Ảnh: Mike Ives/AP)
Không thể phủ nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam trong vấn đề quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, tuy nhiên, nhiều vụ việc xâm phạm động vật hoang dã quý, hiếm xảy ra gần đây đã gây lo ngại trong dư luận. Hãng AP, ngày 27/7 đã có bài đề cập đến việc buôn bán hổ, các sản phẩm từ hổ liên quan đến 11 trang trại hổ đã đăng ký hoạt động của Việt Nam. Việc nuôi hổ để bảo tồn, hay đây là một hình thức khác vô tình tạo điều kiện cho việc buôn bán hổ trái phép là một vấn đề vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Xin giới thiệu nội dung lược dịch bài nói trên như một thông tin tham khảo đáng chú ý từ góc nhìn của người nước ngoài.
Theo các nhà bảo tồn, những trang trại này có quy định rất lỏng lẻo sẽ tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng để “rửa” các con hổ hoang dã bị săn bắt bất hợp pháp, rồi trộn lẫn số hổ này với các con hổ được nuôi hợp pháp. Sau đó, các sản phẩm (như cao xương) từ những con hổ săn bắt bất hợp pháp sẽ được bán ở các chợ đen với giá 1.000 USD cho100 gram cao hổ.
Trước đó, vào đầu tuần này, Quỹ bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (WWF) đã xếp Việt Nam nằm trong số 23 quốc gia ở Châu Á và Châu Phi có chính sách quản lý kém đối với tội phạm động vật hoang dã ở các loài như hổ, voi và tê giác. Thứ Hai (30/7) tới, WWF sẽ đưa ra báo cáo tập trung vào các quốc gia có động vật hoang dã bị đe dọa hoặc có nạn buôn bán động vật trái phép.
Tuy có một số người ủng hộ của các trang trại nuôi nhốt động vật với lí do để giảm bớt áp lực đối với các quần thể động vật hoang dã bằng cách đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm động vật. Nhưng theo chuyên gia buôn bán động vật hoang dã Vincent Nijman, thuộc Đại học Oxford Brookes tại Anh thì ở Châu Á, các trang trại kiểu này phần lớn không được kiểm soát chặt chẽ và đã tạo ra nạn buôn bán. Ước tính mỗi năm, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp chỉ tính riêng ở Đông Nam Á thu lợi từ 8-10 tỷ USD, bao gồm phổ biến nhất là hổ, tê giác và một số loài động vật khác.
Phía các nhà bảo tồn còn cho rằng, hổ nuôi ở Việt Nam có tỷ lệ tử vong cao và cáo buộc các trang trại hổ thường nhập lậu hổ từ nước ngoài về. Trong khi đó, Bộ Nông Nghiệp Việt Nam thống kê, có 49 con hổ trong số 112 con hổ được nuôi ở 11 trang trại hợp pháp đã được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt.
Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng hổ hoang dã trên toàn cầu đang giảm mạnh, từ khoảng 100.000 con ở thế kỷ trước, nay chỉ còn dưới 3.500 con. Trong đó, Việt Nam là một trong 13 nước có hổ hoang dã sinh sống nhưng hiện chỉ còn dưới 50 con hổ sinh sống trên lãnh thổ. Theo Tổ chức Giám sát động vật hoang dã TRAFFIC, có ít nhất 200 xác hổ đã bị tịch thu từ các vụ buôn bán bất hợp pháp trên toàn thế giới vào năm 2011.
Văn Dương (theo AP)
Theo
Baodatviet.vn