admin
TS. Tilo Nadler, người đã dành cả cuộc đời mình để bảo vệ linh trưởng.
Tiến sĩ sinh học Tilo Nadler, chuyên gia Hội Động vật học Frankfurt CHLB Đức, là người thành lập và Giám đốc Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp (EPRC) Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình. 23 năm làm việc tại đây, ông và các cộng sự đã cứu được hàng trăm thú linh trưởng quý hiếm thoát khỏi nạn săn bắt, buôn bán, đồng thời ông có công lớn trong việc bảo vệ nguồn gen quý hiếm cho thú linh trưởng Việt Nam, cũng là tài sản chung của thế giới. Tilo Nadler đã hai lần được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhì và hạng Ba. Hiện nay, ở tuổi ngoài 70, ông vẫn miệt mài làm việc và chưa hết trăn trở với công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD).
Với Việt Nam, quỹ thời gian đã hết!
Ông có thể cho biết, lý do nào đã đưa ông đến Việt Nam để rồi ở lại lâu như vậy?
- Cách đây vài chục năm, tình cờ tôi nhìn thấy trên một con tem cũ hình con voọc quần đùi trắng, một loài linh trưởng vô cùng quý hiếm, nó vốn được một nhà động vật học người Pháp phát hiện thấy ở Việt Nam từ năm 1930. Suốt hơn 50 năm không ai biết gì về nơi cư trú của chúng và liệu đã tuyệt chủng hay chưa. Phải đến năm 1987 chúng tôi mới có thông tin về sự tồn tại của chúng trong rừng Cúc Phương. Năm 1991, tôi được cử sang Việt Nam làm phóng sự cho một chương trình truyền hình của Đức, và đó cũng là sự khởi đầu cho các Dự án của Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam về bảo vệ linh trưởng và môi trường sống của chúng.
Ông đánh giá thế nào về tính đa dạng sinh học của các loài linh trưởng tại VN và công tác bảo tồn chúng?
- Việt Nam có nhiều loại linh trưởng quý hiếm nhất nhì Đông Nam Á, với 25 loài. Trong đó 23/25 loài (90%) đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do số lượng cá thể còn lại rất ít và do nạn săn bắt.
Công tác bảo tồn nói chung và đặc biệt là các loài linh trưởng sắp tuyệt chủng, chủ yếu phải dựa vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng, trẻ em cần được giáo dục về vấn đề này ngay từ bậc mẫu giáo. Nhưng giáo dục là giải pháp cần nhiều thời gian, trong khi với Việt Nam, quỹ thời gian đã hết, nếu đợi đến khi giáo dục để cộng đồng thay đổi nhận thức thì chẳng còn gì để bảo tồn nữa. Ví dụ, loài voọc Cát Bà hiện chỉ còn lại 65 con, hay voọc quần đùi trắng cũng chỉ còn chưa tới 200 con sống trong tự nhiên tại vùng núi đá vôi Ninh Bình, ngoài ra không tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới... Nói chung, hàng ngày, hàng giờ các loài ĐVHD vẫn bị con người săn bắt, tận diệt, song công tác bảo tồn chưa được coi trọng đúng mức. Có rất nhiều luật và nghị định đã được ban hành, nhưng việc thực thi còn yếu kém.
Ông có thể nói cụ thể hơn về việc ban hành pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD?
- Sau hơn 20 năm, tôi nhận thấy, quan điểm trong chính sách bảo tồn ĐVHD của một số ngành chức năng có những bước "lùi" nghiêm trọng. Những nghị định, quy định pháp luật được ban hành thiếu chặt chẽ, chồng chéo, không nhất quán đã tạo ra những lỗ hổng gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật.
Ví dụ năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã trình Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 32/2006/NĐ-CP, trong đó đề nghị "hạ cấp" và cho phép gây nuôi, kinh doanh thương mại đối với một số loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, nhằm mục đích phát triển kinh tế và góp phần bảo tồn ĐVHD (!). Chính sách đó mâu thuẫn với các văn bản pháp luật "nguồn" của Việt Nam như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, hay Nghị định160/2013/NĐ-CP. Chính vì thế nó vấp phải sự phản đối của hầu hết các cơ quan khoa học và các tổ chức bảo tồn trong nước cũng như quốc tế. 80% trong số 47 Chi cục kiểm lâm trên cả nước cũng không ủng hộ, lý do là vì họ không thể phân biệt được cá thể ĐVHD hợp pháp và bất hợp pháp, trong khi việc cho phép gây nuôi và buôn bán thương mại ĐVHD nguy cấp, quý hiếm đang tạo ra sự song song tồn tại của thị trường “hợp pháp” và thị trường “bất hợp pháp”. Rất may là "Nghị định thay thế" đã không được Chính phủ Việt Nam phê duyệt.
Đề xuất cho phép gây nuôi ĐVHD nguy cấp, quý hiếm của Bộ NN&PTNN có thể đem đến những hệ lụy gì, thưa ông?
- Thứ nhất, tất cả các trại nuôi hoàn toàn không có ý nghĩa tham gia bảo tồn mà chỉ thuần túy nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cao cấp cho một nhóm người giàu; việc kinh doanh cũng chỉ mang lại lợi nhuận cho một số nhà buôn chứ không đóng góp gì cho phát triển kinh tế nói chung. Thực tế chỉ có giới nhà giàu và quan chức mới có điều kiện tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD: Thịt thú rừng, các loại thuốc đông y từ sừng tê giác, vẩy tê tê, cao khỉ, rượu rắn; vật trang sức có giá trị như nanh vuốt hổ, ngà voi; thời trang làm từ lông chồn, lông cáo hay da ĐVHD; và cơ bản cũng chỉ họ mới có thể nuôi làm cảnh những loại chim thú quý như công, trĩ, gà lôi, khỉ, vượn, hổ, gấu...
Ngoài ra, các trại nuôi đang là nguy cơ thứ ba làm tuyệt chủng ĐVHD (sau săn bắt và môi trường sống bị tàn phá), bởi nó kích thích nhu cầu sử dụng và do quan niệm sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên mới thực sự có giá trị khiến nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD càng trầm trọng. Đồng thời việc sinh sản cận huyết trong môi trường nuôi nhốt chật hẹp và nguồn thức ăn bị biến đối dẫn đến ĐVHD bị mất đi những tập tính tự nhiên, nguồn gen cũng bị thoái hóa. Ví dụ hổ con thế hệ F2, F3 tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Sóc Sơn, Hà Nội đã có hiện tượng không mọc lông, hay với gấu thì tay chân bị ngắn đi; chúng sẽ không còn khả năng thích nghi với môi trường thiên nhiên hoang dã.
Tôi xin được nói thẳng...
Thưa ông, hiện nay có những vấn đề gì trong chính sách đang gây trở ngại cho việc thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD?
- Trước hết là sự thiếu đồng bộ, nhất quán. Chẳng hạn Luật Bảo tồn đa dạng sinh học cấm sử dụng và tiêu thụ sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý hiếm dưới mọi hình thức, nhưng Nghị định 32/2006/NĐ-CP hay Nghị định 82/2006/NĐ-CP hiện hành vẫn cho phép đăng ký trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và kinh doanh thương mại các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm với những điều kiện khá “lỏng lẻo”, tạo cơ hội rất lớn cho việc mở trang trại nhằm “hợp pháp hóa” việc buôn bán ĐVHD từ tự nhiên, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Theo một nghiên cứu gần đây của ENV - Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam, hiện cả nước có gần 5.000 trại nuôi ĐVHD có quy mô vừa và nhỏ, nuôi tới 185 loài gồm chim, rắn, hổ, gấu, nhím, khỉ, vượn, cầy, hươu nai, cá sấu...
Bên cạnh đó, các quy định về quản lý các Vườn thú, Trung tâm nghiên cứu, gây nuôi bảo tồn các loài ĐVHD, hay quy định về việc đưa tang vật các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm tịch thu được sau vi phạm trở lại lưu thông trên thị trường thông qua hình thức “phát mại” vẫn còn những lỗ hổng lớn, khiến các cơ quan này đang dần trở thành những “mắt xích” tiếp tay cho “chuỗi buôn bán trái phép ĐVHD”. Chính FAO - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cũng rất thiếu hiểu biết khi khuyến khích và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các Dự án chăn nuôi ĐVHD trong trang trại.
Việc thiếu các quy phạm hình sự cũng khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc áp dụng pháp luật để xử lý vụ việc. Điển hình là các quy định trong Bộ luật Hình sự vẫn còn để ngỏ cho hành vi “tàng trữ” và “chế biến” các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Đây là những kẽ hở khuyến khích hoạt động buôn bán ĐVHD gia tăng.
Ông muốn góp ý gì với các nhà làm chính sách để có thể đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng trên?
- Đầu tiên phải xây dựng một hệ thống pháp luật đúng và chặt chẽ, kèm theo biện pháp chế tài nghiêm khắc. Hiện nay một số văn bản pháp luật về bảo vệ ĐVHD còn kênh nhau tạo ra nhiều lỗ hổng, ví dụ Nghị định 32 của Bộ NN&PTNT và Nghị định 160 của Bộ TN&MT có nhiều điểm mâu thuẫn, nguyên nhân do các nhà khoa học của hai Bộ không có sự hợp tác, thống nhất về chuyên môn, thậm chí nhiều người thiếu cập nhật, không biết tên khoa học của các loài dẫn đến việc phân loài không chính xác. Một số loài được cho phép gây nuôi và kinh doanh thương mại theo Nghị định 32 lại chính là những loài bị Nghị định 160 "cấm buôn bán, tiêu thụ dưới mọi hình thức".
Một ví dụ khác, cơ chế chính sách cho phép các cơ quan chức năng chỉ đạo việc bắt giữ, tịch thu sản phẩm ĐVHD bị buôn bán trái phép, nhưng Nhà nước không có nguồn chi để xử lý nên cho phép lực lượng kiểm lâm bán đấu giá, thanh lý tang vật để lấy nguồn kinh phí hoạt động. Những quy định rõ ràng mức phạt tiền, phạt tù đối với các vụ vi phạm đã không được áp dụng. Điều này cho thấy luật càng nới lỏng thì cán bộ thực thi pháp luật càng không có động lực làm đúng chức trách của mình, thậm chí còn "tiếp tay" cho hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép.
Về biện pháp khắc phục, theo tôi cần phải có đầu tư quốc gia, kết hợp với sự hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài trong công tác cứu hộ, chăm sóc thú y, nhất là phải xây dựng được những trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần đào tạo, tập huấn chuyên môn thường xuyên cho cán bộ thực thi pháp luật như kiểm lâm, cảnh sát môi trường. Hiện nay lực lượng công an chỉ chuyên sâu nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, không có kiến thức về môi trường, họ chưa nhiệt tình với công tác bảo vệ ĐVHD một phần vì không có thu. Lực lượng kiểm lâm mới thực sự là "cảnh sát của rừng", trách nhiệm rất cao nhưng họ lại có ít quyền hạn để xử lý trực tiếp những vụ việc xâm hại thiên nhiên. Theo tôi, kiểm lâm phải được trao quyền như cảnh sát thì họ mới hoạt động hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: laodong.com.vn
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522