Thông tin bổ sung vụ hổ tấn công ở Thanh Hóa và quan điểm của ENV

admin

Liên quan đến vụ việc một bé trai 13 tuổi, trú tại xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị hổ vồ cuối tháng 5/2017 vừa qua tại trang trại của Nguyễn Mậu Chiến - đối tượng hiện đang bị bắt giữ trong quá trình điều tra hành vi vận chuyển, buôn bán sừng tê giác, ngà voi, hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác, ENV xin cập nhật một số thông tin bổ sung và quan điểm của ENV xung quanh vấn đề nuôi nhốt hổ tại Việt Nam.
 
 
Hổ được ghép đôi trong chuồng tuy nhiên số lượng hổ tại trang trại gần như bất biến?!
 
Một số thông tin về trang trại
 
ENV được biết đầu năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giao Nguyễn Mậu Chiến nuôi thí điểm vì mục đích nghiên cứu bảo tồn 12 cá thể hổ bị phát hiện nuôi nhốt bất hợp pháp tại cơ sở của đối tượng ở địa phương. Cho đến nay, ngoài 1 cá thể hổ chết được ghi nhận vào tháng 12/2008, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề biến động (không có hổ con sinh mới hoặc chết đi). Tuy nhiên, trong quá trình liên tục theo dõi và cập nhật biến động tại cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng, ENV cũng đã thu thập được nhiều bằng chứng hình ảnh cho thấy các đặc điểm định dạng của các cá thể hổ được nuôi nhốt đã có nhiều thay đổi.
 
Thêm vào đó, sau khi bị bắt ngày 27/4/2017 với tang vật 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử cùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và các loài ĐVHD khác, ENV được biết các đối tượng đã khai nhận 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến. Chính vì vậy, ENV nghi ngờ cơ sở nuôi nhốt hổ của Nguyễn Mậu Chiến thực chất chỉ đóng vai trò “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài ĐVHD khác mà không hề phục vụ mục tiêu nuôi thí điểm “bảo tồn” hổ như Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đề ra.  
 
Do đó, từ đầu tháng 5/2017, ENV đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa: (1) yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến; làm rõ những hoạt động bất hợp pháp đã và đang diễn ra nhằm xử lý triệt để mọi dấu hiệu vi phạm về hổ cũng như các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm khác tại cơ sở; (2) xem xét không tiếp tục gia hạn hoặc cấp mới giấy chứng nhận nuôi nhốt hổ cho cơ sở của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến, đồng thời nghiên cứu các giải pháp nhanh chóng chuyển giao những cá thể hổ nuôi nhốt tại cơ sở này về các trung tâm cứu hộ theo quy định của pháp luật. ENV cũng sẵn sàng hỗ trợ liên lạc các trung tâm cứu hộ có khả năng tiếp nhận và điều phối quá trình chuyển giao hổ về những trung tâm này nếu có yêu cầu từ Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. 
 
Quan điểm của ENV 
 
Các vấn đề trong hoạt động nuôi nhốt hổ dường như chưa bao giờ hết nóng trong những năm gần đây. Đầu năm 2016, ENV đã rất bức xúc khi biết thông tin Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép nuôi nhốt hổ “bảo tồn” cho vợ một đối tượng từng hai lần bị kết án về tội buôn bán hổ. Nhiều vụ việc hổ tấn công làm chết, bị thương người cũng xảy ra rải rác ở các cơ sở nuôi nhốt hổ trong khắp cả nước, mà gần đây nhất là vụ việc hổ tấn công một cháu bé tại trang trại của Nguyễn Mậu Chiến. Đối tượng này hiện cũng đang bị bắt giữ trong quá trình điều tra hành vi vận chuyển, buôn bán sừng tê giác, ngà voi, hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác. 
 
Các cả thể hổ bị nuôi nhốt tại các trang trại tư nhân nhiều khả năng sẽ phải kết thúc cuộc đời tại các nồi cao.
 
Trước tình trạng đó, ENV cho rằng đã đến lúc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần kiểm soát sự phát triển của các cơ sở nuôi nhốt hổ. Trong năm 2007, cả nước có 5 cơ sở được phép nuôi nhốt hổ thì hiện nay, con số đó hiện nay đã lên đến 13 cơ sở nuôi nhốt hổ tư nhân (không bao gồm các vườn thú và trung tâm cứu hộ thuộc sự quản lý của Nhà nước). Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về điều kiện thành lập cũng như quy định trong quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt hổ và các loài nguy cấp, quý, hiếm khác. Chính điều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng việc nuôi nhốt hổ để hợp pháp hóa các cá thể hổ buôn bán bất hợp pháp. 
 
Theo quan điểm của ENV, Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định hiện hành về điều kiện cấp phép cũng như quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như hổ. Việc cấp phép nuôi nhốt hổ hay các loài nguy cấp, quý, hiếm khác chỉ nên giới hạn vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục cho các cơ sở đáp ứng những yêu cầu cụ thể theo quy định của pháp luật. ENV cũng đề xuất các cơ quan chức năng địa phương kiên quyết thu hồi giấy phép nuôi nhốt hổ của các cơ sở có nghi ngờ liên quan đến hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp hoặc không đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật. Chỉ có như vậy mới tránh được những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra cũng như tạo điều kiện bảo tồn hổ và các loài nguy cấp, quý, hiếm khác tốt nhất trong tự nhiên.

Tin liên quan

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522