Thông điệp từ phim ngắn truyền thông mới của ENV: Những người tiêu thụ sừng tê giác làm xấu hình...

admin

Hà Nội, ngày 13/9/2016 - Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim ngắn truyền thông mới với thông điệp: “Mua và sử dụng sừng tê giác chính là tự làm xấu đi hình ảnh của bản thân và quốc gia”

sep-14-pr-te-giac
Bối cảnh trong phim ngắn truyền thông bảo vệ tê giác của ENV

Phim có thời lượng một phút và sẽ được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình trung ương và địa phương. Trong phim, một doanh nhân trẻ đã biếu cha sừng tê giác - người đã ngay lập tức từ chối và nói với con trai: “Những người mua, tiêu thụ sừng tê giác là vô tình tiếp tay cho nạn săn bắn tê giác, và đã làm xấu đi hình ảnh của họ và của đất nước. Lẽ ra con nên từ chối món quà này”.

Lớn lên trong một gia đình tri thức nhưng người doanh nhân trẻ đã hành động thiếu suy nghĩ khi nhận món quà sừng tê giác và sau đó định biếu cha mình – một học giả đáng kính đã nghỉ hưu - để giúp cha tăng cường sức khỏe.

Phim được xây dựng với mục tiêu khuyến khích công chúng không tiêu thụ sừng tê giác để góp phần chấm dứt tình trạng giết hại tê giác tại Nam Phi.

Cộng đồng quốc tế cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới. Sừng tê giác thường được sử dụng làm những món quà xa xỉ trong các mối quan hệ làm ăn và để thể hiện đẳng cấp. Ngoài ra, một số người còn tin rằng sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh, trong đó có cả ung thư. Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại các quốc gia như ở Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tình trạng thảm sát tê giác tại Nam Phi. Trung bình, có 3 cá thể tê giác bị giết hại mỗi ngày ở Nam Phi (1,215 cá thể năm 2014 và 1,175 cá thể năm 2015).

“Tất cả chúng ta, những công dân của Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ các loài tê giác trên thế giới.”, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết. “Cuộc chiến bảo vệ tê giác đầy thử thách sẽ không thể thành công nếu thiếu sự góp sức của cộng đồng.”

Theo bà Dung, mỗi cá nhân có thể cứu giúp các loài tê giác khỏi nạn thảm sát bằng ba hành động thiết thực sau:

  • Không mua hay tiêu thụ sừng tê giác
  • Thông báo hành vi mua bán, trao đổi sừng tê giác tới cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng miễn phí về bảo vệ động vật hoang dã của ENV 1800-1522.
  • Khuyến khích những người thân không tiêu thụ sừng tê giác

Đây là phim truyền thông thứ ba được ENV ra mắt trong năm nay, và đã là phim ngắn thứ 30 do ENV sản xuất. Xây dựng phim truyền thông là một trong những hoạt động của chiến dịch dài hạn của ENV nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Phim cũng được phát trực tuyến tại kênh Youtube của ENV.

ENV chân thành cảm ơn tổ chức Bảo vệ Tê giác thế giới (Save the Rhino International), Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (International Rhino Foundation) và Cục cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (United States Fish and Wildlife Service) đã hỗ trợ chúng tôi sản xuất phim ngắn này. ENV cũng cám ơn các đài truyền hình trung ương, địa phương, truyền hình Cáp Việt Nam, truyền hình MobiTV, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC và Sen Communications vì đã phát sóng và đưa thông điệp bảo vệ tê giác đến với hàng trục triệu người dân trên cả nước.

Vui lòng xem thông tin chi tiết về chiến dịch chấm dứt nạn thảm sát tê giác của ENV tại:

http://envietnam.org/index.php/what-we-do/env-species-focused-campaigns/bring-an-end-to-the-killing-of-rhinos

Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ:

Phòng Truyền thông và Nâng cao nhận thức

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)

Địa chỉ: Phòng 1701 (Tầng 17), tòa nhà 17T5, Hoàng Đạo Thúy, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: +844 6281 5424

Email: communication.env@gmail.com  

Website: www.envietnam.org

Facebook: https://www.facebook.com/EducationforNatureVietnam

Giới thiệu

Được thành lập năm 2000, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên hoạt động chuyên sâu nhằm bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Mục tiêu của ENV là nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về sự cần thiết của việc bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật hoang dã. Bằng các chiến lược mang tính sáng tạo và đổi mới, ENV mong muốn từng bước thay đổi thái độ và hành vi của công chúng, khuyến khích người dân Việt Nam sống thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ENV cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm tăng cường thể chế, chính sách và trực tiếp hỗ trợ các nỗ lực thực thi pháp luật bảo vệ các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa tại Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới.

Chiến lược chấm dứt nạn thảm sát tê giác của ENV

ENV đang thực hiện nhiều chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.

Từ năm 2014, ENV đã hợp tác với các cơ quan Nhà nước đặt những bảng thông tin tại lối vào và sảnh trụ sở làm việc để khuyến khích cán bộ công viên chức nhà nước không tiêu thụ sừng tê giác. Hiện tại, các bảng thông tin đang được đặt tại hơn 80 cơ quan của các bộ, ban, ngành trên cả nước.

Trong những năm gần đây, ENV đã sản xuất nhiều phim ngắn truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam. Các đoạn phim ngắn này được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình trung ương và địa phương cũng như tại kênh youtube của ENV. Các phim ngắn hoặc cho người xem thấy sự thật của nạn thảm sát tê giác và hậu quả nghiêm trọng của việc tiêu thụ sừng tê giác hoặc hài hước, chế giễu hành vi sử dụng sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp của một số các nhân. Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, ENV hy vọng có thể thay đổi nhận thức của những người tiêu thụ và các đối tượng có khả năng tiêu thụ sừng tê giác.

Một trong các chiến dịch hướng tới những đối tượng có khả năng tiêu thụ sừng tê giác là việc ENV đã hợp tác với các hãng xe hơi cao cấp như Mercedes - Benz, BMW, MG, trung tâm thể dục Nshape, Club M; trung tâm thương mại Lotte, Vincom đặt bảng thông tin cũng như tổ chức các sự kiện thu hút sự tham gia của cộng đồng.

Một số hoạt động khác bao gồm:

  • Xác định nhóm đối tượng tiêu thụ nhằm đánh giá giá trị của việc sử dụng sừng tê giác;
  • Khuyến khích cộng đồng thông báo vi phạm về sừng tê giác đến đường dây nóng 1800 1522;
  • Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam và các quốc gia khác nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu sừng tê giác;
  • Tăng cường thể chế, chính sách cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ ngành có liên quan, Quốc hội cho các nỗ lực bảo vệ tê giác;
  • Tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng và nhóm đối tượng có khả năng tiêu thụ sừng tê giác qua các phim ngắn truyền thông bảo vệ tê giác trên truyền hình, các chương trình phát thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam và các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội Facebook, các trang thông tin điện tử trực tuyến. Đồng thời, tranh thủ tiếng nói của các chính trị gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu, những  người nổi tiếng cũng như hợp tác với các hiệu thuốc đông y nhằm giảm thiểu tối đa nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác. 

Tin liên quan

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) vừa…

Xem Thêm
CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

Bởi admin Bình luận

Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522