admin
Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên VQG Bái Tử Long bảo: “Lâm tặc, ngư tặc đã “án binh bất động” vì chúng ta đã bị phát hiện rồi…”. Lâm tặc, ngư tặc giờ có cả đội ngũ chuyên theo dõi các cán bộ VQG, thấy “động” là báo hiệu cho đồng bọn kịp thời tẩu tán tang vật…
Vườn quốc gia Bái Tử Long (VQGBTL) có tổng diện tích 15.783ha, trong đó rừng là 6.125ha và 9.650ha là mặt biển, vụng áng bãi triều. Những cánh rừng nơi đây thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới, bảo tồn sự sống cho 500 loài thực vật và gần 200 loài động vật; biển rất đa dạng với hơn 380 loài hải sản. Kho báu thiên nhiên VQGBTL là nơi mà nhiều đối tượng nhòm ngó với mục đích săn bắt thú rừng và các lâm, thuỷ sản khác v.v.. Do vậy, để giữ bình yên cho nơi đây luôn là công việc rất vất vả với các cán bộ VQGBTL.
Cán bộ VQGBTL đang tuyên truyền cho ngư dân xã Minh Châu (Vân Đồn) về việc sử dụng lưới đúng quy cách để đánh bắt cá.
Cuộc chiến giữ rừng
Tôi đến trụ sở VQGBTL (huyện Vân Đồn) để tìm hiểu về công tác bảo tồn rừng biển nơi đây. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Nguyễn Thành Nguyên vỗ vai tôi: “Anh muốn tìm hiểu việc chúng tôi xử lý lâm tặc, ngư tặc thế nào thì phải đi thực tế một chuyến chứ”.
Vậy là đúng hẹn, buổi tối tôi có mặt tại bến cảng Cái Rồng (Vân Đồn). Mấy hôm nay thời tiết chuyển mùa, ngoài bờ biển, gió thổi phần phật. Một cán bộ VQGBTL đưa cho tôi chiếc mũ bảo hiểm xe máy có kính kín, tôi ngạc nhiên hỏi: “Bây giờ có quy định người đi biển cũng phải đội mũ bảo hiểm sao?”. Anh cán bộ cười: “Anh cứ mang theo lát nữa khắc biết!”. Chiếc xuồng cao tốc nhẹ nhàng lướt trên sóng, thỉnh thoảng có những tia nước biển tạt vào người lạnh buốt, tuy mặc chiếc áo khoác dày mà tôi vẫn run cầm cập. Chiếc mũ bảo hiểm xe máy tôi mang theo đã phát huy tác dụng, vì nếu không có, nước biển tạt vào ướt hết đầu. Điểm chúng tôi tiến đến là đảo Cái Lim, biển lặng, bầu trời đêm vắng, chỉ đâu đó tiếng côn trùng rên rỉ. Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên VQGBTL Nguyễn Văn Hùng bảo với tôi: “Hôm nay, chúng ta đi kiểm tra theo định kỳ thôi, còn lâm tặc, ngư tặc đã “án binh bất động”, vì khi chúng ta ra bến Cái Rồng là đã bị phát hiện rồi…”. Anh cho tôi biết thêm là lâm tặc, ngư tặc giờ có cả đội ngũ chuyên theo dõi các cán bộ Vườn quốc gia, thấy “động” là báo hiệu cho đồng bọn kịp thời tẩu tán tang vật; nhưng “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, Ban quản lý cũng “cài” được những ngư dân, người nuôi tu hài để theo dõi chúng rồi báo về. Rồi từ các đảo ngoài khơi, các đội cơ động bất ngờ ập đến tóm gọn, còn lực lượng trên bờ chỉ là phối hợp. Các đối tượng theo dõi họ trên bờ dẫu có phát hiện ra rồi báo với đội dưới biển thì cũng đã muộn…
Đã có lần tôi được đến đảo Cái Lim cùng đoàn khảo sát của Vườn quốc gia vào ban ngày. Nơi đây giống như một “vương quốc” của hoa phong lan với khoảng 200 loài phong lan, có những loài chỉ còn tồn tại ở VQGBTL. Hệ động thực vật ở Cái Lim rất đa dạng, đảo có khu vực được vây quanh bởi các dãy núi lớn tạo thành 1 thung lũng rộng lớn tới 10ha, ít có sự xâm thực của nước mặn lại ẩm ướt nên xuất hiện khá nhiều ếch nhái; kéo theo đó là sự sản sinh của các loài rắn, và rất nhiều khỉ lông vàng, chúng ăn ốc và vất vỏ thành đống lớn trong hang. Giữa những vách đá đảo Cái Lim mọc lên rất nhiều cây Huyết Giác, một loài có họ với cây Thiết Mộc Lan có hoa đẹp thường nở về mùa xuân. Huyết giác không có hoa đẹp, nhưng cây có thể tạo trầm, là loại dược liệu quý bán rất đắt vì nó là vị không thể thiếu được trong các bài thuốc nam chữa các bệnh về máu như chấn thương tụ máu, hay thông kinh ở phụ nữ. Huyết giác mọc chênh vênh trên vách đá dễ nhìn thấy nên dễ tạo lòng tham của nhiều người.
Anh Nguyễn Ngọc Phước, cán bộ Vườn quốc gia ở đảo Cái Lim cho hay, có lần, các anh nhận được tin của ngư dân báo có 1 chú cá heo bị chết dạt vào bờ gần đảo Cái Lim. Thế là anh em trên đảo cùng kéo nhau ra làm thủ tục chôn cất cá. Nào ngờ, các anh bị lâm tặc theo dõi, nên khi họ vừa đi khỏi trạm là chúng hành động luôn. Hôm đó như có linh tính, các anh chôn cất cá rất nhanh rồi trở về và bắt gọn luôn 1 tàu có 3 ngư dân đang chặt cây Huyết Giác rồi đưa về huyện xử lý.
Còn ở đảo Ba Mùn, đảo lớn nhất trong hệ thống đảo của VQGBTL với diện tích 1.800ha thì từng được gọi là đảo Thú vì nơi đây có rất nhiều thú rừng. Nhiều nhất là lợn rừng, chúng đào hang sinh sống mà trở thành tên gọi vụng Ổ Lợn, ngày nay lợn rừng gần như không còn do sự săn bắn tàn phá của con người, chỉ đến khi VQGBTL được thành lập năm 2001, thì công tác bảo tồn mới được đẩy mạnh. Nhưng, ở Ba Mùn hiện vẫn còn rất nhiều loại thú khác như: Chồn, cầy hương, cáo, khỉ đặc biệt là rắn. Đầu năm 2011, các cán bộ Trạm kiểm lâm Ba Mùn đã bắt được 2 đối tượng chui vào rừng bẫy trộm cầy hương và đưa về Công an huyện Vân Đồn xử lý, cũng từ đó đến nay đã giãn hẳn chuyện lâm tặc vào rừng bẫy thú… Tuy nhiên, công việc tuần tra canh đảo của các cán bộ vẫn phải diễn ra đều đặn hàng ngày với khá nhiều nguy hiểm từ tự nhiên, thậm chí đôi khi chỉ cần một chút lơ đãng là có thể mất mạng vì rắn độc. Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Ba Mùn Nguyễn Hữu Mạnh kể: “Trước đây khi anh em chưa nuôi chó, rắn thường xuyên vào trạm. Có lần, tôi ngủ dậy thì nghe thấy tiếng phì phì dưới gầm giường, ngó xuống thì eo ôi, một con rắn hổ mang dài đến 1,5m đang rướn cổ phùng mang nom phát sợ. Anh em phải mất công mới đuổi được con rắn vào rừng. Có hôm đi tuần trong rừng ngẩng đầu lên 1 chú rắn cực độc ở ngay trên đỉnh đầu, vậy là chỉ cần dấn thêm bước chân nữa thôi là rất có thể bị rắn cắn chết. Từ đó anh em phải nuôi vài ba con chó, cứ vào rừng là phải mang chó theo cùng, đêm chó trông nhà chủ yếu để canh rắn…”.
...Và giữ biển
Năm 2011, VQGBTL đã bắt đầu vào cuộc thực hiện Nghị định số 31, ngày 29-3-2010 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản. Từ nghị định này, các cán bộ VQGBTL vào cuộc xử lý các trường hợp ngư dân dùng kích điện, lưới mắt nhỏ bắt cá. Chỉ tính riêng năm 2012, họ đã xử lý được 17 trường hợp trên biển, trong đó có 7 trường hợp ngư dân sử dụng kích điện. Ông Nguyễn Thành Nguyên là người trực tiếp xử lý những việc này nên có rất nhiều bức xúc, vậy nên ông đã làm công văn trình lên UBND tỉnh; được tỉnh ủng hộ, cấp ngay cho 4 chiếc ca nô làm phương tiện hoạt động và 100 triệu đồng để làm công tác tuyên truyền. Anh em thở phào, vì trước đó họ chỉ có 1 chiếc ca nô đã cũ, thành thử ngư tặc cứ nhè lúc cán bộ đưa ca nô vào bờ sửa chữa là… hành sự. Tuy nhiên, anh cho biết là cũng có nhiều ngư dân không thực sự hiểu được công việc mình đang làm mà dẫn đến vi phạm, hoặc họ chỉ hiểu một cách đơn giản chim trời, cá nước hết làm sao được. Vì vậy, mất một năm, các cán bộ Vườn quốc gia phải làm tích cực việc tuyên truyền cho ngư dân không vi phạm luật biển. Phương tiện có trong tay, nhưng công việc của họ cũng không thể nhàn nhã hẳn, vì các đối tượng vi phạm thường hoạt động vào ban đêm, lại hay nhằm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ của anh em, nên họ phải thay nhau nghỉ, ngay cả những ngày lễ lớn, ngày tết vẫn phải có người túc trực. Cũng vì vậy mới có chuyện ngày Đại hội công đoàn của đơn vị diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, ngư tặc biết tin liền báo cho nhau cùng “làm ăn”. Đang họp giữa chừng, nhận được tin báo, vậy là ngay lập tức anh em thành lập đội ra khơi, bắt ngay 2 tàu ngư dân dùng vòi bơm công suất lớn phá vỡ kết cấu địa tầng biển để bắt con móng tay, là loại hải sản thân mềm sống dưới bùn.
Chỉ một năm đầu ra quân với công tác bảo vệ biển, các cán bộ VQGBTL đã thu được những kết quả đáng kể. Ông Nguyễn Thành Nguyên khẳng định: “Khi chúng tôi làm tốt công tác bảo tồn biển thì việc bảo vệ rừng cũng sẽ tốt hơn, vì các đối tượng muốn xâm nhập vào rừng thì phải qua biển”. Thực tế cho thấy, đa phần ngư tặc, lâm tặc là ngư dân ở các địa phương có biển khác như Hải Hậu, Nam Định, Thái Bình v.v.. đến vùng biển Quảng Ninh khai thác hải sản rồi vi phạm luật biển. Vì vậy, với các anh, để giữ cho vùng biển được yên bình thì cuộc chiến ấy vẫn còn dài và nhiều gian nan…
Theo Công Thành
Báo Quảng Nin
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522