admin
Từ thị trấn Hòn Đất (Kiên Giang) ra mé biển Tây, đi chừng 13 cây số tới Hòn Me, leo thêm khoảng ba con dốc nữa là đến khu cứu hộ động vật hoang dã. Từ lưng chừng đồi, giữa cây cối um tùm và gió biển rì rào, chúng tôi liên tưởng đến một “khu nghỉ dưỡng” nào đó.
Mỗi loài đưa vô đây đều có số phận riêng. Trong 20 chú gấu thì cũng là 20 mảnh đời đau khổ. Bác sĩ Cường dẫn chúng tôi đi thăm chú gấu có tên là May Mắn, độ tuổi 40 cũng thuộc diện “gần đất xa trời”. Sở dĩ có tên May Mắn vì chú được một cô gái người Anh đặt tên, hỗ trợ một ít chi phí chữa bệnh, cầu mong chú gặp được may mắn những ngày cuối đời. Chú được đưa về từ trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM), bị mù nên xoay xở chậm. Đưa chuối vô cho chú ăn, chú phải đánh hơi khịt khịt hồi lâu mới ăn được. Bác sĩ Cường nói rằng có lẽ May Mắn sẽ sống những ngày cuối đời ở đây, vì khả năng thích nghi với rừng không còn, rất khó tự kiếm ăn, hơn nữa lại già cả, bệnh tật nên được “quy hoạch” vào diện “không trả về núi rừng”.
Cách đó không xa là nơi ở của chú gấu có tên Sun Shine. Chú này hơi “dị tướng”, chân nhỏ, dáng lùn, bò nhiều hơn đi. Anh Cường cho biết chú gấu này bị nuôi nhốt từ nhỏ trong cái cũi nhỏ xíu nên không phát triển được, mỗi ngày chú chỉ nằm một chỗ rồi khom lưng bò chứ không đứng được. Ở phòng đối diện là chú gấu có tên Mù Lớn (để phân biệt với May Mắn). Mù Lớn được đưa vào đây khi trên mình, tay chân ghẻ lở tùm lum, mắt lại mù nên khó lấy thức ăn. Đã vậy chú còn bị nhiễm trùng nặng do chân dính phân hòa với nước trong thau bị đổ, phải được chữa trị khá lâu mới khỏi hẳn.
Tại Củ Chi, chúng tôi gặp ông Lê Xuân Lâm, quản lý trạm cứu hộ động vật hoang dã. Ông cho biết phần lớn gấu đưa về trạm là từ các trang trại tư nhân, có con bị mất cả bàn tay hoặc cả cánh tay. Người nuôi nói rằng nó bị thương phải cưa, nhưng ai cũng hiểu “bàn tay gấu” được sử dụng để làm gì. Đó là chưa kể gấu được khai thác mật từ lúc còn trẻ. Chỉ tới khi không còn gì để khai thác, để lại thì tốn chi phí nuôi, họ buộc phải giao về trạm, coi như vứt bỏ cái “của nợ” cho khu cứu hộ cưu mang.
Trong lúc chúng tôi nghe kể những chuyện đau lòng này, ở khu vườn gấu kế bên một đôi gấu đang quấn quýt nô đùa. Chúng vật lộn đã đời rồi lại “ùm” xuống hồ nước. Trong mỗi phòng, gấu ăn no lại nằm lăn kềnh ra ngủ. Có chú ngửa trên cái võng đưa toòng teng, có chú nằm trên cái kệ đưa cả bốn chân lên trời. Nhìn cảnh đó, ít ai nghĩ rằng chúng đã trải qua cuộc đời đầy khổ ải vì bị hành hạ tàn tệ.
Trả về núi rừng
“Hạnh phúc của chúng tôi là lúc trả thú hoang về môi trường sống trong núi rừng của chúng” - ông Lâm nói về nghề của mình. Tuy là thú hoang nhưng chúng cũng biểu lộ tình cảm sau quá trình chăm sóc, gần gũi. Ông kể: “Đầu năm 2011, chúng tôi nhận được một chú cu li bị thương gần như mù một mắt ở Định Quán (Đồng Nai). Cứu chữa chừng sáu tháng, mắt chú sáng, khỏe mạnh hẳn. Chúng tôi quyết định thả về rừng Cát Tiên. Bữa đó đi thiệt sớm, vô tận rừng sâu, tìm cây cao thả chú ra. Chú mừng rỡ nhảy phóc lên cây, tưởng đi luôn, ai dè còn quay lại nhìn chúng tôi”.
Lần đi thả chú vượn đen má vàng ở vườn quốc gia Bi Đốp (Lâm Đồng) cũng hết sức cảm động. Chú vượn này bị thợ săn bắt ở Đức Trọng (Lâm Đồng), được hạt kiểm lâm giải cứu đem về. Khi gặp con người, chú hoảng hốt, lo sợ, bị tiêu chảy nặng. Sau một năm cứu chữa, chú khỏe mạnh hoàn toàn. Hôm đưa chú về rừng, lúc gần tới nơi, hình như biết trước sắp được tự do, chú cất tiếng líu lo như chim. Lúc được thả ra, chú nhảy lên cây rồi hú vang cả núi rừng, sau đó cùng lúc có nhiều tiếng kêu đáp lại. “Chúng tôi biết là chú đã hòa nhập trở lại với bầy đàn. Chắc là gặp lại nhau chúng cũng mừng mừng tủi tủi như con người mình vậy” - ông Lâm nói.
Loài rùa biển cũng có cách “bày tỏ tình cảm”. Giữa năm 2010, trạm nhận được một chú rùa biển bị lở loét từ một nhà hàng ở TP.HCM. Có lẽ chú bị người ta đánh bắt rồi bán làm cảnh, may nhờ Chi cục Quản lý nguồn lợi thủy sản phát hiện, kết hợp kiểm lâm tịch thu đem về. Sau năm tháng cứu chữa và nuôi dưỡng, rùa được đem thả về biển Bình Thuận. Lúc xe gần tới biển, rùa ta cứ nhảy đùng đùng biểu hiện sự nôn nóng được trở về với thiên nhiên. Ông Lâm kể tiếp: “Khi tới mé biển, thả xuống cát, rùa bò chầm chậm xuống biển và còn quay đầu lại nhìn chúng tôi. Chứng kiến giây phút đó, chúng tôi ai nấy cũng nao nao trong lòng, thấy mình có cảm giác được thăng hoa, như vừa cứu mạng một con người”.
Ông Nguyễn Vũ Khôi, giám đốc điều hành Tổ chức WAR tại Việt Nam (thành lập năm 2003), cho biết công việc của WAR là cứu hộ các loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép rồi thả chúng trở về thiên nhiên. Nguồn thu nhận là từ ngành kiểm lâm phát hiện, tịch thu và người dân tự nguyện đem tới. WAR đã lập các trạm như: trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, trạm cứu hộ gấu và thú họ mèo vườn quốc gia Cát Tiên, khu cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me. Những năm qua, WAR đã cứu hộ và trả về thiên nhiên hơn 2.500 cá thể động vật hoang dã.
DƯƠNG THẾ HÙNG
Theo Tuoitre.vn
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522