Những “cứu tinh” của động vật hoang dã

admin

Âm thầm đến từng ngõ ngách, nắm bắt từng chi tiết nhỏ để phát hiện vi phạm, thậm chí còn thâm nhập điều tra như thám tử để giải cứu các loài động vật quý hiếm… là những việc làm thầm lặng và đầy ý nghĩa của các tình nguyện viên tham gia bảo vệ động vật hoang dã tại Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV).


“Chiến công” thầm lặng 

Không khoanh tay đứng nhìn những loài động vật hoang dã (ĐVHD) đang dần biến mất bởi nạn săn bắt, buôn bán trái phép, hơn 4.000 thành viên tại 33 tỉnh, thành của ENV đã “vào cuộc” để ngăn chặn những hành vi sai phạm.

 

Chị Ninh Phương Thảo, Điều phối mạng lưới tình nguyện viên ENV cho biết: “Đa phần các thành viên của ENV đều là học sinh, sinh viên. Tất cả đều tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng định dạng các loài ĐVHD, kỹ năng giám sát, thông báo vi phạm và xử lý tình huống phát sinh… Họ là “tai mắt” của ENV trong việc giám sát, thông báo các vi phạm về ĐVHD ở khắp mọi miền đất nước”.
Tham gia mạng lưới tình nguyện viên ENV được gần 4 năm nay, Dương Thùy Trang (sinh viên năm thứ 3, Đại học Vinh) đã phát hiện nhiều vi phạm về bảo vệ ĐVHD. Thùy Trang cho biết: “Để khảo sát thành công một địa điểm vi phạm về ĐVHD là việc không hề dễ dàng; có những nơi, tình nguyện viên phải đến hàng chục lần để xem cơ sở đó có chứa các loài ĐVHD hay không. Với mỗi địa điểm khác nhau, chúng tôi phải dùng cách khác nhau để tiếp cận, có thể thăm dò thông tin từ hàng xóm, cũng có khi đóng vai người mua hàng để điều tra”.

Hai con khỉ đuôi dài và đuôi lợn vừa được giải cứu và trở về rừng phòng hộ Núi Cậu, tỉnh Bình Dương.


Trong số hơn 60 lần tham gia khảo sát đó, Trang rất ấn tượng với lần tìm kiếm thông tin liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 32 bộ xương sư tử từ châu Phi về Việt Nam. Khi đó, nhiệm vụ của Trang là xác nhận địa chỉ và những thông tin liên quan đến người đứng ra nhận 32 bộ xương để báo lại cho ENV biết.


Không giấu nổi nỗi xúc động, Dương Thùy Trang kể: “Tôi cùng một bạn đóng giả là sinh viên tình nguyện cho một chương trình thực tế đến nhà bác trưởng xóm để hỏi thăm thông tin về người tiếp nhận 32 bộ xương đang sinh sống tại đây. Ban đầu, bác ấy không tiếp chuyện nhưng khi thấy chúng tôi giúp bác gái rửa xe, dọn dẹp thì bác trưởng xóm đã thay đổi thái độ, giúp tôi tìm hiểu thông tin. Sau khi thu thập thêm từ một số nguồn tin khác, chúng tôi đã có được địa chỉ, thông tin về người nhận 32 bộ xương kia và cả người bà con bên Nam Phi của người đó. Tất cả những thông tin đó trùng khớp với thông tin mà ENV đã thông báo ban đầu cho chúng tôi. Sau đó, ENV đã phối hợp với cơ quan chức năng để thu hồi 32 bộ xương sư tử này”.


Thay đổi nhận thức cộng đồng


Hơn 4.000 thành viên, mỗi người đến với ENV bằng một “cơ duyên” khác nhau. Nhưng đa phần đều xuất phát từ tình yêu động vật và ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ ĐVHD. Nguyễn Thanh Hậu, một tình nguyện viên tại Đà Nẵng, cho biết: “ĐVHD có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, sự tuyệt chủng của chúng có thể dẫn đến những hậu họa khó lường về môi trường. Qua các lần đi khảo sát và báo cáo các vi phạm về bảo vệ ĐVHD, tôi càng nhận rõ trách nhiệm của bản thân và cộng đồng trong việc bảo vệ ĐVHD”.


Mới tham gia vào mạng lưới tình nguyện viên hơn một năm nay nhưng Hậu đã báo cáo và giải cứu được khoảng 10 cá thể các loài như: Khỉ mặt đỏ, chồn và báo cáo thành công hơn 20 vụ vi phạm ở các cơ sở, nhà hàng, quán nhậu, công viên… trên địa bàn TP Đà Nẵng và Quảng Ngãi.


“Có lần tôi cùng 3 bạn tình nguyện viên nữa phát hiện ra một quán cà phê ở đường Hà Khê, TP Đà Nẵng có nuôi một chú chồn trong quán để thu hút khách. Các tình nguyện viên đã phải chia nhau đến đây nhiều lần để đảm bảo cá thể chồn vẫn bị nhốt tại đây. Sau đó, ENV đã liên lạc với cơ quan chức năng để cử cán bộ tới xử lý vi phạm. Và mãi tới khi đó, chủ quán cà phê mới biết là mình vi phạm”, Hậu kể.


Theo đại diện của mạng lưới tình nguyện viên ENV, việc theo dõi, phát hiện và ngăn chặn các vi phạm là điều rất cần thiết để bảo vệ ĐVHD khỏi những nguy cơ do chính con người gây ra. Nhưng điều quan trọng và ý nghĩa nhất mà các tình nguyện viên đã và đang làm, đó là giúp nâng cao nhận thức người dân tại các địa phương.


“Nhiều người nuôi, bắt các loài ĐVHD mà không biết rằng mình đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc các tình nguyện viên hoạt động tại từng địa phương sẽ góp phần lớn trong việc nâng cao ý thức cộng đồng. Một khi ý thức cộng đồng đã được nâng cao thì việc buôn bán, tiêu dùng sản phẩm từ ĐVHD sẽ giảm”, một cán bộ điều phối mạng lưới tình nguyện viên ENV khẳng định.


Trước thực trạng nạn buôn bán ĐVHD đang ngày càng diễn ra phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự sống của các loài ĐVHD, gây mất cân bằng sinh thái với những hậu quả tương lai khó lường cả về môi trường cũng như kinh tế - xã hội, thì những việc làm thầm lặng của các tình nguyện viên bảo vệ ĐVHD là rất ý nghĩa và cần thiết, góp phần thiết thực vào bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống cho tương lai của chính chúng ta.

 

Theo http://baotintuc.vn/

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522