Trong kí ức của những người giữ rừng đã từng chứng kiến rất nhiều chuyện đau lòng về tình cảnh chết thảm của dòng giống nhà voọc....
Ăn thịt voọc - thú chơi man rợ của đại gia
Năm 2011, những người giữ rừng ở trạm kiểm lâm Đất Đỏ (xã Tà Lài) đã bắt một đối tượng săn gần chục con Voọc tại rừng Nam Cát Tiên (vườn Quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Trong kí ức của những người giữ rừng đã từng chứng kiến rất nhiều chuyện đau lòng về tình cảnh chết thảm của dòng giống nhà voọc: “Có voọc mẹ trúng bẫy chết thảm nhưng voọc con vẫn bám riết lấy mẹ chẳng rời. Khi những nhân viên kiểm lâm đến hiện trường thì voọc con vì đói và kiệt sức mới vừa "lìa đời", xác hãy còn rất ấm”.
Một con Voọc bị "hành xử".
Khi mang những con Voọc đem về nhà, “Tay đao phủ cắt động mạch ở yết hầu con vật cho máu phun xối xả vào hũ, màu rượu từ trắng dần chuyển sang hồng. Sau đó họ sẽ rạch bụng lấy túi mật, moi cả trái tim còn đập thoi thóp của nó chế biến món ngon cho vị thực khách hám mạnh hám sung”, khi tôi nghe kể mà không khỏi xót lòng.
Trong cuốn Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc, TS Võ Văn Chi ghi rằng: người ta săn bắn voọc để lấy thịt làm thực phẩm, lấy xương nấu cao như các loại cao khỉ. Mà công dụng của cao khỉ nếu so với cao trăn, cao hổ cốt, cao ban long… thì độ oai phong, lẫm liệt kém xa.
Voọc chà vá từng được gặp nhiều ở vùng núi Trung Bộ, từ Thanh Hóa dọc theo dãy Trường Sơn cho tới các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh.
Ám ảnh những chuyến săn voọc
Từ trung tâm huyện phải mất khoảng 2 tiếng đường rừng để đi đến thôn Phú Lâm – xã Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh (địa điểm tiếp giáp biên giới Việt – Lào). chúng tôi ghé thăm nhà ông Lê Văn P (70 tuổi) - là một trong những thợ săn thiện xạ nhất của vùng này.
“Tôi giờ già rồi, săn bắn chi nữa, đi đến bìa rừng đã thấy mệt chứ chưa nói đến vào trong rừng sâu. Mà giờ voọc ít lắm, đi săn cả tuần có khi chả được con nào, với lại, mùa này,không phải là mùa săn voọc” – ông P tỏ vẻ tiếc nuối.
Đang kể về chuyện đi săn, dường như “ngứa nghề”, ông P. chạy vào nhà lấy chiếc súng kíp và chiếc nỏ ra khoe. Vừa lau súng, ông P. chậm rãi kể: “Voọc là loài vật rất khôn, nếu không biết cách thì không dễ để bắt được chúng. Tuy thế, voọc lại rất tham ăn, cánh thợ săn thường dựa vào đặc tính này để bẫy.
Mỗi lần đi săn, ngoài súng, cung, nỏ, bẫy thì còn có chuối chín, thuốc gây mê...Mỗi lần đi săn như thế, chúng tôi thường chọn những cánh rừng có nhiều hang đá, vách núi, vì đêm đến voọc “rủ” nhau chui vào hang đá ngủ, ban ngày mới ra ngoài kiếm ăn”.
Đối tượng săn voọc bị bắt giữ tại trạm kiểm lâm Đất Đỏ;
vô số xác voọc bị chặt đầu, lột da, mổ bụng được tìm thấy
trong một đợt truy quét của Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng.
Rời nhà ông P , chúng tôi sang nhà ông Nguyễn Văn K - nổi tiếng về khả năng bắn như một xạ thủ, con mồi nào đã lọt vào tầm ngắm của ông thì ít có cơ hội sống sót.
Trong kí ức của ông K luôn bị ám ảnh về một lần đi săn, ông kể: khi tôi đi thăm chiếc bẫy cuối cùng, một cảnh tượng đã ám ảnh cả cuộc đời tôi, một con voọc cái khoảng chừng 13 kg sập bẫy, chiếc chân phải của nó gãy gập và đang bị kẹp giữa hai thanh gỗ lớn. Máu chảy ướt đẫm cả vạt lá khô bên cạnh, thế nhưng trên tay nó vẫn đang bồng một con voọc con mới sinh. Tôi sững người trước tình cảnh ấy. Mấy chục năm trong nghề chưa có điều gì làm tôi sợ, nhưng lúc này tôi thấy ghê sợ chính mình. Định bụng sẽ thả hai mẹ con voọc tội nghiệp, nhưng chân đã gãy gập, voọc mẹ không thể lết đi được. Tôi quyết định đưa về nhà để nuôi, nhưng hai hôm sau voọc mẹ chết, chú voọc con cũng không thể sống nổi vì còn non quá. Sau lần ấy, tôi không dám bước chân vào rừng săn voọc nữa”.
Cuộc "săn" Voọc chà vá bất thành ở bán đảo Sơn TràViệc xây dựng các dự án du lịch theo định hướng của UBND TP Đà Nẵng đã khiến cho khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà bị lấn chiếm nghiêm trọng, khiến cho quần thể chà vá đang sinh sống ở đây bị đe dọa…
Một gia đình Voọc chà vá.
Anh Lê Phước Bảy - Hạt Quản lý bán đảo Sơn Trà cho biết: “bán đảo Sơn Trà có khoảng hơn 200 con voọc chà vá. Mấy năm trở lại đây không phát hiện việc đánh bắt, bẫy voọc chà vá”.
Nhưng hiện tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà đang bị xâm lấn bởi các dự án du lịch theo định hướng của UBND TP Đà Nẵng. Song song với việc này là hàng loạt con đường được xây dựng hướng tới các khu nghỉ dưỡng trong khu vực làm ảnh hưởng đến cuộc sống của quần thể chà vá nơi đây.
Ông Vũ Ngọc Thành - Giám đốc Dự án bảo tồn voọc chà vá cho biết: việc xây dựng cơ sở hạ tầng là mối đe dọa chủ yếu tới quần thể chà vá nơi đây.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó phòng Bảo tồn Thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng thì khẳng định rằng: các dự án du lịch đang lấn chiếm một cách mạnh mẽ vào khu bảo tồn. Việc phát triển kinh tế là cần thiết nhưng phát triển thế nào để không ảnh hưởng đến cuộc sống của voọc chà vá vẫn chưa được giải quyết triệt để.
“Việc xây dựng các con đường chia cắt trên bán đảo Sơn Trà cũng chính là việc xây đường cho bọn săn bắt vào rừng tàn phá. Chỉ trong thời gian ngắn, kiểm lâm đã thu được khoảng 4.000 chiếc bẫy thép giăng khắp nơi trong khu vực bán đảo. Đã từng phát hiện những trường hợp bẫy bắt voọc chà vá nhưng khi phát hiện có kiểm lâm thì chúng "bỏ của chạy lấy người", ông Tiến cho biết thêm.
Đình Hường (Tổng hợp)
Theo
Giaoduc.net