admin
EIA cho biết Trung Quốc có khoảng 5000 con hổ nuôi nhốt nhưng chỉ có 3500
con sống trong môi trường hoang dã (Flickr:bjoern) (Credit: ABC Licensed)
Các nhóm bảo tồn cho rằng cần có nỗ lực toàn cầu để cứu loài hổ hoang dã. Các nhóm này đang đặc biệt nhắm tới Trung Quốc, nước hầu như phớt lờ luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.
Gần 100 năm trước, loài hổ sống phổ biến ở nhiều vùng Châu Á. Tổ chức giám sát Động thực vật hoang dã ‘Traffic’ cho biết số lượng loài hổ đã giảm xuống còn khoảng 3200 con trên khắp thế giới.
Bà Debbie Banks từ Tổ chức Nghiên cứu Môi trường (EIA) dự báo trong 10 năm tới, chúng ta có thể chỉ còn nhìn thấy hổ nuôi nhốt nếu các chính phủ và các cơ quan hành pháp không thực hiện những biện pháp khẩn cấp. “Chúng ta cần hành động nhanh nếu muốn đạt được mục tiêu nhân đôi số hổ sống trong môi trường tự nhiên vào năm 2022,” bà Banks khuyến cáo.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất với loài hổ là nạn săn bắn. Các mạng lưới bất hợp pháp có tổ chức tinh vi trên toàn cầu đã bỏ hàng triệu đô-la vào các thương vụ buôn bán da hổ và các bộ phận khác như xương và móng hổ.
Ngành y học cổ truyền Trung Quốc có nhu cầu lớn về sản phẩm của loài hổ. Sở hữu một bộ da hổ được xem là một biểu tượng địa vị trong giới thượng lưu mới giàu lên ở Châu Á.
Biện pháp xóa bỏ các mạng lưới tội phạm đã gần như không có tác dụng. “Một trong những lĩnh vực cần tăng cường từ phía quan chức cấp cao là vấn đề thực thi luật pháp,” bà Banks nói. “Chúng ta chứng kiến nhiều vụ bắt giữ nhưng chưa có cáo buộc nào. Các chính phủ không săn đuổi các mạng lưới tội phạm đa quốc gia có tổ chức đã vận chuyển xuyên biên giới nhiều bộ phận của hổ và các loài động vật lớn thuộc họ mèo Châu Á.”
Sáng kiến toàn cầu
Các tổ chức bảo tồn cho rằng các chính phủ Đông Nam Á đang bắt đầu tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề buôn bán hổ bất hợp pháp. Ở Nepal, cảnh sát và các quan chức bảo vệ động vật hoang dã gần đây bắt giữ nhiều bộ da hổ và hàng trăm xương hổ. Nỗ lực của các tổ chức quốc tế dẫn đến việc bắt giữ 7 người được cho là tham gia vào một đường dây buôn lậu.
Để khuyến khích hợp tác, một liên minh mới được thành lập kết nối Cảnh sát Quốc tế (INTERPOL), Văn phòng Liên Hợp Quốc phụ trách Vấn đề Ma túy và Tội phạm và Ban thư ký Hiệp ước Thương mại Quốc tế về Động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES - Convention on International Trade in Endangered Species).
CITES cũng yêu cầu các tổ chức đấu tranh với nạn buôn bán hổ bất hợp pháp điều tra cần thêm động thái gì để chấm dứt nạn này. Các tổ chức này sẽ báo cáo vào năm tới.
Ông James Compton, giám đốc chương trình Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Traffic, cho biết những sáng kiến này là bước tích cực theo đúng hướng.
“Trên giấy tờ, các sáng kiến này thực sự đáng khích lệ,” ông Compton nhận xét. “Sử dụng trí tuệ đúng cách có thể đề ra những biện pháp bắt giữ kẻ chủ mưu của vụ mua bán bất hợp pháp chứ không phải chỉ người lái xe vận chuyển hàng lậu. Và sau đó, những kẻ bị bắt sẽ bị cáo buộc và kết án, giúp tăng cường ngăn cản nạn buôn bán động vật trái phép và hành vi vận chuyển động vật hoang dã sẽ không được tha thứ.”
Tình trạng trái ngược ở Trung Quốc
Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một câu chuyện khác. Mặc dù đã đề ra một số biện pháp bảo tồn động vật quý hiếm nhưng nước này cũng đưa ra những thông điệp đầy mâu thuẫn.
Trung Quốc đã là thành viên của CITES trong hơn 30 năm. Hiệp ước này cấm buôn bán các bộ phận và sản phẩm từ loài hổ Châu Á. Thế nhưng các nhóm bảo tồn cho rằng hiệp ước hầu như bị Trung Quốc lờ đi và hoạt động buôn bán nội địa ‘hợp pháp’ vẫn tồn tại.
“Ở Trung Quốc, chính phủ đã cấp phép buôn bán da hổ nuôi nhốt,” bà Debbie Banks từ EIA nói. “Họ có khoảng 5000 con hổ nuôi nhốt và có ngân hàng da và xương hổ lớn. thế nhưng bán da hổ nghĩa là họ quảng bá và kích thích nhu cầu về sản phẩm đặc biệt này.”
Các tổ chức này đổ lỗi một phần cho nạn tham nhũng và nhu cầu mua các bộ phận của hổ để làm thuốc cổ truyền.
Năm 1993, Trung Quốc ban hành lệnh cấm sử dụng xương hổ làm thuốc cổ truyền và ngâm rượu. Năm 2012, EIA cử một số nhóm tới gặp gỡ những người buôn da hổ. Họ phát hiện thấy rượu xương hổ được bày bán ở các khu nuôi dưỡng động vật hoang dã. Những người phụ trách trung tâm cho biết họ đã được Cơ quan Kiểm lâm Nhà nước cấp phép.
Traffic cho rằng yêu cầu Trung Quốc thực hiện những gì họ chủ trương không hề dễ. “Chúng tôi thấy cơ cấu của một số xã hội như Trung Quốc và Việt Nam là một thách thức lớn,” ông nói. “Nếu có một chiến lược có kế hoạch từ trung ương và chiến dịch rộng hơn mà chính phủ cũng tham gia thì nỗ lực đó sẽ vượt xa những gì mà một hoặc vài tổ chức phi chính phủ có thể thực hiện để tạo ra những thay đổi.”
Theo Radioaustralia.net.au
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522