Nguy cơ vào tù vì khoe

admin

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện những hình ảnh các loài động vật như khỉ, hổ... bị giết hại, nấu cao. Trước hiện tượng này, không ít người đã bày tỏ sự bất bình và đặt câu hỏi: Phải chăng cơ quan chức năng đang bất lực trước nạn tận diệt động vật hoang dã trái phép?

Jan-13-nguy-co-vao-tu

Những hình ảnh này được chia sẻ trên Facebook khiến không ít người rùng mình, lo ngại

Tràn lan những hình ảnh man rợ

Ngày 9-1, cộng đồng mạng được phen dậy sóng trước những bức ảnh ghi lại cảnh những con hổ, gấu đang bị xẻ thịt kèm theo lời rao bán cao hổ, mật gấu, tay gấu… Bên cạnh những bức hình này, chủ tài khoản còn cho biết: “2 ngày nữa làm thịt một con hổ 2 tạ nấu cao cho khách, bác nào muốn mua phần nào của con hổ hoặc chung nồi cao thì alo thẳng cho mình”. Chủ tài khoản cũng tỏ thái độ thách thức: “Nếu công an thì miễn làm việc vì mất công rình mò, cài người mua hàng lạnh lẽo chờ đợi mà chẳng có được gì đâu vì mình ít khi làm việc với người lạ, không tin tưởng…”.

Trước đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện những bức ảnh ghi lại chi tiết quá trình giết hại, lột da khỉ để nấu cao. Sau khi đưa lên mạng, những hình ảnh này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Đa số ý kiến đều thể hiện sự giận dữ, bức xúc trước việc làm man rợ, mất hết nhân tính của các đối tượng. Anh Đỗ Trung Long ở khu tái định cư Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, mục đích chính của những người tung hình ảnh giết mổ động vật hoang dã lên mạng là nhằm câu like, bán hàng và ở góc độ nào đó, họ đã đạt được mục đích khi có một số người vào trầm trồ, hỏi giá, đặt hàng.

Tuy vậy, hầu hết mọi người đều tỏ ra ghê sợ, không dám xem hết những tấm ảnh đầy máu me thể hiện sự đau đớn đến hoảng loạn của những con khỉ bị giết. “Việc làm này vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã. Đáng buồn là từ trước đến nay, việc xử lý về hình sự đối với các đối tượng có hành vi này rất hạn chế nên không đủ sức răn đe” - anh Long bày tỏ quan điểm.

Với tâm trạng tương tự, chị Vũ Thảo Vy ở đường Thụy Khê, quận Tây Hồ chia sẻ, những hình ảnh giết mổ động vật một cách man rợ có tác động không nhỏ đến sự phát triển tâm lý ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nếu phải chứng kiến thường xuyên, trẻ không chỉ bị ám ảnh bởi những cảnh tượng đầy tính bạo lực, chết chóc mà còn dần bị chai sạn, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại, thậm chí coi những hành động hủy hoại môi trường sống là chuyện bình thường. “Thật buồn là đến thời điểm hiện tại vẫn còn có những người bỏ ra hàng triệu đồng để tìm mua bằng được cao khỉ, cao hổ “xịn” với hy vọng chúng có thể chữa khỏi bách bệnh. Chính quan niệm sai lầm này đã tiếp tay cho những đối tượng săn bắt, nuôi nhốt, giết hại, kinh doanh động vật hoang dã trái phép” - chị Vy than thở.

Cần xử lý nghiêm

Liên quan đến người tung hình ảnh giết khỉ trên facebook, vừa qua, Hạt Kiểm lâm thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) đã phối hợp với Công an xã Quỳnh Lập triệu tập C.V.C (SN 1990, ở xã Quỳnh Lập) lên làm việc. C cho biết những hình ảnh này do C chụp được trong một lần đến nhà bạn chơi. Còn về những bức ảnh liên quan đến việc nấu cao hổ, người tung lên mạng được xác định là H.M.C (24 tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu). Theo đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu, sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã phối hợp với công an huyện kiểm tra nhà của đối tượng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ thu được một số xương chó. Hiện các cơ quan có thẩm quyền đang tiếc tục xác minh làm rõ các vụ việc.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), hành vi giết hại động vật hoang dã không những vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam mà còn thể hiện sự vô nhân tính của một số đối tượng. Theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về “Danh mục động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm”, hổ, khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm nghiêm cấm hoặc hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Do đó, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép hổ, khỉ là vi phạm pháp luật.

Về trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng thực hiện các hành vi trên, theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức cao nhất lên đến hàng tỷ đồng. Còn theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Nhóm IB hoặc thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm… thì bị phạt tù từ 5-10 năm.

“Mặc dù, pháp luật đã có chế tài khá nghiêm khắc đối với cá nhân, tổchức săn bắt, giết hại động vật hoang dã, song để ngăn chặn triệt để tình trạng này, bên cạnh việc cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm thì mỗi người dân cần nói không với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã” - luật sư Nguyễn Tiến Hòa kiến nghị.

Nguồn: ANTĐ - anninhthudo.vn

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522