admin
Ngày hôm nay, 11/2/2022, 09 cá thể gấu ngựa đã được chủ nuôi tại 3 cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương tự nguyện chuyển giao cho Nhà nước. Sự kiện này là kết quả của sự hợp tác giữa Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), cơ quan chức năng, chủ cơ sở nuôi nhốt gấu và các tổ chức phi chính phủ khác, trong đó có Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection) và Tổ chức Four Paws – các thành viên của Nhóm các tổ chức phi chính phủ về Bảo vệ Gấu tại Việt Nam. Cả 09 cá thể gấu đều được chuyển giao đến Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình. Sự kiện này đã đánh dấu bước “chuyển mình” của tỉnh Bình Dương từ một điểm nóng về nuôi nhốt gấu lấy mật trở thành địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ gấu.
Chia sẻ về nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Bình Dương, Bà Trần Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương) cho biết chìa khóa của thành công là sự chung tay vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân có liên quan. Bà Mỹ cũng nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về gấu và tăng cường vận động, tuyên truyền cho chủ gấu sớm tự nguyện chuyển giao gấu cho trung tâm cứu hộ cần phải được quan tâm, đẩy mạnh để có thể thúc đẩy chấm dứt nuôi nhốt gấu.
Các chủ gấu đã bày tỏ nguyện vọng chuyển giao gấu trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 11/2021. Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao gấu bị trì hoãn do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tại Bình Dương. Trong hoạt động cứu hộ gấu lần này, 3/9 cá thể gấu được chuyển giao từ một vườn thú tư nhân. Bốn cá thể gấu được chuyển giao từ một cơ sở chung nhiều chủ nuôi và 2 cá thể còn lại đến từ một cơ sở tư nhân khác.
Tại cơ sở chung nhiều chủ nuôi, một chủ gấu là Ông Nguyễn Ngọc Tiến đã đóng góp rất lớn trong việc vận động, thuyết phục các chủ nuôi khác tự nguyện chuyển giao gấu cho nhà nước. “Tôi cũng rất thương các cá thể gấu mình nuôi và đang chăm sóc chúng rất tốt. Tuy nhiên, khi biết về cuộc sống của gấu tại các trung tâm cứu hộ chuyên biệt, tôi đã nghĩ chúng xứng đáng được sống như vậy. Đó là lí do vì sao tôi chuyển giao gấu và vận động các chủ gấu khác cùng làm theo” Ông Tiến chia sẻ.
ENV đánh giá cao tâm huyết của những chủ gấu như ông Tiến và cho rằng đây chính là động lực để đặt dấu chấm hết cho ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu lấy mật đã lỗi thời này.
Bà Vũ Thị Quyên - Giám đốc của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ “Sự kiện chuyển giao gấu này đánh dấu một bước tiến mới của tỉnh Bình Dương trên chặng đường từ một trong những điểm nóng lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam thành địa phương đạt nhiều thành tựu trong nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu. Thành công tại Bình Dương là một ví dụ cho thấy sự hợp tác và quyết tâm của các cơ quan chức năng, các tổ chức phi chính phủ và các chủ nuôi gấu có thể cho gấu cơ hội sống tốt hơn tại các trung tâm cứu hộ – điều mà chúng xứng đáng được hưởng. ENV cũng hi vọng thành công của Bình Dương sẽ là động lực để thủ đô Hà Nội - điểm nóng lớn nhất về nuôi nhốt gấu - cũng có thể đặt mục tiêu đạt được trong thời gian tới đây.”
Hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật đang đi tới hồi kết tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Là địa phương với số lượng gấu bị nuôi nhốt lên đến 308 cá thể, chiếm hơn một nửa số gấu nuôi nhốt trên cả nước, thành công của Hà Nội sẽ đóng vai trò đáng kể góp phần chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu trên cả nước. Trong một diễn biến tích cực gần đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành một chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố trong đó nhấn mạnh việc giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở nuôi nhốt gấu. Chỉ đạo này cũng đặc biệt yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong nuôi nhốt gấu tại huyện Phúc Thọ, là nơi tập trung đến 92,4% số gấu bị nuôi nhốt tại Hà Nội. Nếu chỉ đạo này được chấp hành một cách nghiêm túc, Hà Nội có thể trở thành địa phương tiếp theo không còn gấu bị nuôi nhốt tại các trang trại tư nhân.
Được ban hành tại một thời điểm quan trọng đầu năm 2022, Chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã yêu cầu chính quyền các quận, huyện trên địa bàn thành phố nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, cũng như tăng cường triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, đảm bảo người dân không thực hiện các hành vi săn bắt, quảng cáo và buôn bán các loài động vật hoang dã nguy cấp. ENV hi vọng các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là tại Phúc Thọ sẽ có động thái tích cực, nghiêm túc và nhanh chóng triển khai thực hiện chỉ đạo này để góp phần chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Hà Nội nói chung và tại huyện Phúc Thọ nói riêng.
Tags:
Tin hoạt độngBởi admin Bình luận
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) vừa…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
Ngày 18/7/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ…
Xem Thêm1800 1522