Lời kêu cứu từ Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam

admin


Một cá thể gấu đang được chăm sóc tại TTCHG


Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (TTCHG) vừa có đơn gửi đến các cơ quan chức năng kêu cứu vì trung tâm đang đối mặt với việc bị ngừng xây dựng và di dời.

Ngày 5/10 vừa qua, Bộ NN&PTNT thông báo cho Tổ chức Động vật Châu Á (đơn vị tài trợ cho TTCHG) về kết quả cuộc họp với Bộ Quốc Phòng về lệnh dừng toàn bộ hoạt động xây dựng của dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, cũng như di dời 104 cá thể gấu trước đây đã được cứu hộ về Trung tâm, ra khỏi khu vực thung lũng Chắt Dậu, thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thì việc đóng cửa Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam sẽ là lệnh trục xuất đối với 104 cá thể gấu đã được cứu thoát khỏi ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật, đẩy 77 nhân viên địa phương của Trung tâm vào cảnh thất nghiệp…

Hiện 104 cá thể gấu này đang được chăm sóc tại Trung tâm. Các cá thể đang dần phục hồi sau nhiều năm sống trong các lồng nuôi nhốt chật hẹp và bị hút mật thường xuyên. Bà Phan Thị Thùy Trinh – Cán bộ Truyền thông, Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam cho rằng, nếu TTCHG bị di dời, những con gấu này sẽ buộc phải quay lại các lồng cũi. Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và tâm lý của chúng. Một số sẽ không tránh khỏi cái chết, bởi lẽ cũng phải mất đến ít nhất 2 năm nữa mới có thể xây dựng được một trung tâm với những khu bán tự nhiên như hiện tại.

Dự án “Xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam giai đoạn 2” được Bộ NN-PTNT phê duyệt theo Quyết định số 1269/QĐ-BNN-HTQT ngày 4-5-2009 và được Thủ tướng chấp thuận theo quyết định số 2144/TTg ngày 5-12-2008. Dự án được AAF, một tổ chức phi chính phủ quốc tế tài trợ toàn bộ, được triển khai trong giai đoạn từ 2009 đến 2014, với tổng ngân sách 3.392.000 USD. Đến nay, AAF đã bỏ ra hơn 2 triệu USD để xây dựng trung tâm này. AAF cam kết tài trợ toàn bộ về tài chính cũng như duy trì Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam 15 năm sau khi kết thúc dự án.
Nửa phần đất bị “treo”


Quy hoạch tổng thể Trung tâm cứu hộ gấu đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt.
Nửa phía trên đang bị VQG Tam Đảo tạm dừng.


Lần đầu tiên chúng tôi đến Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo vào năm 2009, lúc đó mới chỉ có mỗi khu cách ly với gần hai chục con gấu vẫn phải nuôi trong những căn phòng, nhưng rộng rãi hơn rất nhiều so với những chuồng trại nuôi gấu lấy mật. Hồi đó, lũng Chắt Dậu vẫn còn những hộ dân sinh sống, nhưng tôi đã nghe ông Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á (AAF) tại Việt Nam, đồng Giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu, mô tả về giai đoạn 2 của trung tâm, với những khu bán hoang dã nơi gấu có thể ra ngoài trời tha hồ đùa nghịch.

Và rồi, với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thể hiện bằng công văn số 2144/TTg-QHQT ngày 5-12-2008 cho phép Bộ NN-PTNT tiếp nhận dự án xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu, ngày 4-5-2009, Bộ đã chính thức phê duyệt dự án. Trong văn kiện dự án đã chỉ rõ địa điểm thực hiện là “Thung lũng Chắt Dậu thuộc Khu hành chính và dịch vụ du lịch của VQG Tam Đảo cách cổng chính của Vườn khoảng 1,2km”.

Sau khi 12 ha đất được giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2010, dự án đã xây dựng hoàn thiện một khu nhà gấu đôi với hai khu bán hoang dã, khu nhà gấu con và khu xử lý chất thải số 2. Còn khu nhà gấu đôi thứ hai vẫn đang xây dang dở, mới chỉ hoàn thiện được một khu bán hoang dã bên phải. Khu bán hoang dã còn lại, ngay sát cây gạo to, nằm lừng lững giữa thung lũng thì đang bị tạm dừng việc xây dựng bằng một quyết định khó hiểu.

Rất nhiều nhân viên của Trung tâm cứu hộ gấu vẫn còn nhớ cái ngày 29-9-2011 định mệnh ấy. Hôm đó, theo đúng tiến độ, sau khi hoàn thành khu bán hoang dã phía bên phải, những người thi công bắt đầu đào móng xây hàng rào của khu bán hoang dã bên trái của nhà gấu đôi thứ 2. Vừa lúc, Giám đốc VQG Tam Đảo Đỗ Đình Tiến đi kiểm tra và bắt phải dừng việc thi công. Công văn số 127/VTĐ về việc tạm dừng xây dựng của VQG Tam Đảo do ông Đỗ Đình Tiến ký trong ngày hôm đó với lý do: việc xây dựng hàng rào khu bán hoang dã số 2 không đúng với quy hoạch của Vườn và sự thỏa thuận thống nhất giữa Vườn quốc gia Tam Đảo và Trung tâm cứu hộ gấu.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Trung tâm cứu hộ gấu lại vi phạm quy hoạch của Vườn, khi khu bán hoang dã này nằm trong khu đất thuộc pha 2 của dự án đã được phê duyệt, và cũng nằm trong khu đất đã được giải phóng mặt bằng?

Trong phần đất 12ha được quy hoạch để xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu, một nửa phía ngoài đã hoàn thành, trở thành nơi sinh sống của 99 con gấu đang được cứu hộ tại đây. 6ha đất phía sát chân núi vẫn để hoang từ độ tám hộ dân tự nguyện ra khỏi rừng…
Lũng Chắt Dậu - những đề xuất từ một dự án khác

Mặc dù những lý do Giám đốc Vườn quốc gia Tam Đảo đưa ra để dừng xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu không hề đề cập đến điều này, nhưng một diễn biến khác khiến nhiều người liên tưởng đến việc 6 ha đất còn lại của dự án này rất có thể sẽ nằm trong một dự án kinh doanh du lịch rộng 48 ha hiện đang làm thủ tục xin thuê.

Cụ thể là ngày 18-9-2011, Công ty Cổ phần Trường Giang Tam Đảo đã gửi công văn số 151/2011/CTTGTĐ-CV đến VQG Tam Đảo về việc xin thuê môi trường rừng để đầu tư dự án kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Theo đó, Công ty Trường Giang Tam Đảo đã đề nghị Vườn xem xét và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho phép công ty được thuê môi trường rừng tại khu vực suối Trường Sinh – thung lũng Long Vân (tên cũ là Suối Bạc – thung lũng Chắt Dậu), thuộc phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn để đầu tư dự án kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng du lịch sinh thái, vui chơi giải trí. Công văn này cũng cho biết, công ty Trường Giang Tam Đảo đã tiến hành nghiên cứu các điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường của khu vực thung lũng Chắt Dậu - Suối Bạc, khu vực này có 48 được quy hoạch cho thuê môi trường rừng.

Ngay sau đó, ngày 27-9-2011, Giám đốc VQG Tam Đảo Đỗ Đình Tiến đã gửi tới Tổng cục Lâm nghiệp công văn số 124/VTĐ xin thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái. Theo công văn này, căn cứ vào việc đồng ý và cho phép của Tổng cục Lâm nghiệp tại văn bản số 1157/TCLN-BTTN ngày 29-8-2011, Vườn đã ban hành “Quy định tạm thời về việc cho thuê môi trường rừng Vườn quốc gia Tam Đảo để phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ khác kết hợp bảo vệ và phát triển rừng” và đăng tải trên trang web. Đến thời điểm gửi công văn, Vườn đã nhận được công văn đề nghị xin thuê môi trường rừng của ba đơn vị. Trong đó, Công ty cổ phần Trường Giang Tam Đảo xin thuê 48ha đất rừng tại khu vực thung lũng Chắt Dậu - suối Bạc với thời gian 50 năm. Vườn đã đề nghị Bộ NN-PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp xem xét và đồng ý cho ba tổ chức được lập đề án xin thuê môi trường rừng và trình Bộ phê duyệt.

Như đã đề cập ở kỳ 1, Thung lũng Chắt Dậu chỉ vỏn vẹn nằm trong diện tích 12ha, đã được quy hoạch xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu. Cho đến thời điểm này, ngoài quyết định tạm dừng việc xây dựng hết sức phi lý của Giám đốc vườn Quốc gia Tam Đảo, chưa có một văn bản nào từ phía cơ quan quản lý dự án là Tổng cục Lâm nghiệp về việc dừng xây dựng trung tâm cứu hộ. Thế nên, liệu có đúng không khi Vườn tiếp tục trình xin Tổng cục phê duyệt một dự án khác, có phần đất chồng lấn lên một dự án đang được thực hiện?

Hé lộ nhiều nghi vấn

Và một diễn biến mới đây nhất liên quan đến Công ty Trường Giang Tam Đảo, đó là ngày 5-3 vừa qua, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khảo sát và đo đạc Hà Nội đã có công văn số 74/12/KSĐĐHN gửi Ban quản lý Vườn và Trung tâm cứu hộ gấu thông báo về việc công ty này sẽ đo vẽ bản đồ hiện trạng Dự án Khu du lịch sinh thái suối Trường Sinh và thung lũng Long Vân (tên gọi khác của suối Bạc và thung lũng Chắt Dậu), theo hợp đồng đã được ký kết giữa công ty với tập đoàn Trường Giang.
Và theo biên bản làm việc ngày 7-3 giữa Trung tâm cứu hộ gấu và Công ty Khảo sát và đo đạc Hà Nội, Công ty này sẽ đo khảo sát từ cây gạo gần nhà gấu đôi đang được xây dựng về phía thung lũng. Như vậy, mốc cây gạo, tưởng như chỉ vu vơ, mập mờ, giờ đây được lấy làm mốc chính thức để đo đạc khảo sát cho dự án của công ty Trường Giang. Thế nhưng, khi chúng tôi điện thoại hỏi Giám đốc Vườn Đỗ Đình Tiến, thì ông trả lời lại mập mờ, vu vơ rằng, họ đo đạc khảo sát thì kệ họ, chứ dự án đã được phê duyệt đâu (?).

Trung tâm cứu hộ gấu đã gửi nhiều công văn cho Giám đốc Vườn yêu cầu trả lời bằng văn bản về việc tại sao điểm đo đầu tiên của Công ty Đo đạc và khảo sát Hà Nội lại bắt đầu từ cây gạo gần nhà gấu đôi số 2, khu bán hoang dã đang bị đình chỉ xây dựng từ ngày 29-9-2011. Nhưng phía ông Tiến không có một văn bản phúc đáp nào.

Tìm hiểu sâu thêm về Công ty Trường Giang Tam Đảo, chúng tôi lại phát hiện thêm những nghi vấn mới. Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần đầu ngày 5-4-2011, đăng ký thay đổi lần 1 ngày 21-4-2011, do Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp, Công ty cổ phần Trường Giang Tam Đảo có trụ sở chính tại số 310 đường Quang Trung, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Qua tổng đài 1080, chúng tôi được biết đây là số nhà của chủ nhân Bùi Xuân Nghiêm, có số điện thoại 043.3826… Khi đến tận nơi, thì trụ sở chính của Trường Giang Tam Đảo hóa ra là … một cửa hàng tạp hóa mang tên Nghiêm Nguyệt! Trò chuyện với ông chủ cửa hàng, chúng tôi được biết, đó là do cháu ông mượn địa chỉ nhà của ông để đăng ký làm trụ sở kinh doanh. Nhưng còn hoạt động của công ty thế nào thì ông không được biết.

Chiếu theo quy định của luật, việc công ty Trường Giang Tam Đảo có một trụ sở “ma”, không một dấu hiệu nào cho thấy hoạt động của công ty tại đó như biển hiệu, nhân viên…, có thể đã vi phạm điều 35 Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về trụ sở chính.

Lần mò thêm nữa, chúng tôi phát hiện ra một thông tin bất ngờ, nhưng rất hợp lý với những hành động của ông Giám đốc Vườn khi cho phép Trường Giang Tam Đảo “nhảy” vào phần đất của một dự án đã phê duyệt. Đó là một trong bốn cổ đông sáng lập công ty, với số vốn đóng góp chiếm 10% cổ phần, chính là Đỗ Thị Ngân, con gái của ông Tiến. TS Tuấn Bendixsen khẳng định, trước đây, Ngân vẫn đang là nhân viên của Trung tâm cứu hộ gấu, nên ông biết rõ lý lịch.

Theo TS Tuấn Bendixsen, mặc dù dự án không có trách nhiệm phải giải phóng mặt bằng, nhưng vì linh động, AAF đã bỏ ra hơn 4,6 tỷ đồng đền bù cho các hộ dân. Vì theo văn kiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt, một trong các đóng góp của các đối tác Việt Nam đối với việc thực hiện dự án là cung cấp đất (mặt bằng) để xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu.

“Việc giải phóng mặt bằng cho một dự án phi lợi nhuận sẽ khác việc giải phóng mặt bằng cho một dự án đầu tư. Giả sử biết dự án cứu hộ gấu bị dừng để cho một dự án kinh doanh vào, mang lại lợi nhuận cho một số người, tôi nghĩ chắc chắn dân sẽ kiện, vì họ đã phải di dời để nhường lại đất cho gấu”, ông Tuấn nói.


Tổng hợp từ:
http://dantri.com.vn/c20/s20-651154/loi-keu-cuu-tu-trung-tam-cuu-ho-gau-viet-nam.htm
http://nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/phong-s-k-s/i-u-tra/nguy-c-g-u-l-i-m-t-nha-1.341631

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522