Liên tiếp giải cứu thành công nhiều cá thể động vật hoang dã

admin

Chỉ trong một thời ngắn nhiều cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) đã được giải cứu thành công nhờ tin báo của người dân thông qua đường dây nóng 1800-1522 của ENV và sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng: Đội 3 Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Môi trường; Công an quận Gò Vấp và Công an phường 13, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; Hạt Kiểm lâm thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Các cá thể được cứu hộ (Ảnh: Cảnh sát Phòng chống tội phạm Môi trường)

Ngày 15/12/2017, đội 3 Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Môi trường phối hợp với Công an quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ một đối tượng (nguyên quán Cao Lãnh, Đồng Tháp) và thu giữ 7 cá thể rái cá và 12 cá thể khỉ còn sống. Các cá thể này đã được chuyển giao đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn để nuôi dưỡng và chăm sóc.

Đặc biệt, hôm nay, ngày 19/12/2017, Công an phường 13, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ một đối tượng khi đang bán rong 5 con chim săn mồi bằng xe máy trên đường. Hiện số chim săn mồi trên đã được Công an phường 13 thả về tự nhiên. Được biết trước đó vào ngày 5/12, đối tượng này cũng đã từng bị bắt giữ với tang vật là 13 con chim săn mồi ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng trong ngày hôm nay, Hạt Kiểm lâm thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã giải cứu thành công một chú khỉ đuôi lợn đang bị xích ở một xe bán hàng rong nhằm thu hút khách du lịch trên bãi biển Mũi Né. Được biết, người bán hàng rong đã nhanh chóng bỏ chạy ngay khi thấy sự xuất hiện của cơ quan chức năng, bỏ lại cả chiếc xe bán hàng và chú khỉ. Hiện chú khỉ đang được Hạt Kiểm lâm, thành phố Phan Thiết chăm sóc và nuôi dưỡng.

Sau khi nhận được thông tin từ những người dân thông qua đường dây nóng 1800-1522, ENV đã nhanh chóng thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để bắt giữ các đối tượng và tịch thu các tang vật.

 

Cá thể chim săn mồi được giải cứu (Ảnh: Người báo tin)

Rái cá là loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Mọi hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán rái cá là hành vi vi phạm pháp luật hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật và có thể bị xử phạt với mức tối đa lên đến 7 năm tù giam theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009). Các loài khỉ, chim săn mồi cũng là những loài nguy cấp, quý, hiếm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nhóm IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về Danh mục động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Những vi phạm liên quan đến các loài khỉ và chim săn mồi tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 500 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 41/2017/NĐ-CP.

Trước hàng loạt vụ giải cứu thành công nhiều loài ĐVHD, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV cho biết: “Sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng cùng với hành động quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng chính là chìa khóa giúp phát hiện và xử lý thành công các vi phạm về ĐVHD. ENV cũng hi vọng các vụ việc này một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh để các đối tượng vi phạm từ bỏ tham vọng kiếm lời bất hợp pháp từ các loài ĐVHD quý hiếm.”

Cá nhân mỗi người đều có thể góp sức trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ĐVHD bằng cách thông báo các hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển hoặc quảng cáo trái phép ĐVHD đến cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng miễn phí về bảo vệ ĐVHD 1800-1522.

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522