Nhiều loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt, bày bán công khai
Ảnh: Ngô Tiến Dũng
Mỗi năm, có gần 65 nghìn ha rừng xanh bị biến mất, hàng trăm loài động., thực vật bị săn bắt, hàng chục loài động thực vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động thực vật hoang dã còn gặp nhiều khó khăn…
Lời kêu cứu trên được đưa ra tại một hội thảo gần đây về rừng do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) phối hợp với Tổ chức bảo tồn Động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và Hiệp hội Vườn Quốc gia (VQG) và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) tổ chức tại Hà Nội.
Càng quý hiếm, càng bị đe dọa tuyệt chủngTheo Thượng tá Lê Khả Hồng, Cục cảnh sát môi trường (Bộ Công an), tính đến năm 2011, cả nước có trên 13,4 triệu ha rừng (độ che phủ đạt khoảng 40% diện tích lãnh thổ), trong đó có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 3,1 triệu ha rừng trồng. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, tình trạng suy giảm diện tích rừng diễn ra ở mức cao. Tổng diện tích suy giảm rừng khoảng 330 nghìn ha, bình quân mỗi năm suy giảm khoảng 65.600 ha.
Các hành vi làm giảm diện tích rừng chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp hoặc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế- xã hội như chuyển đổi rừng nghèo, xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông, khai thác khoáng sản… Bên cạnh đó, từ năm 2007 đến cuối năm 2011, cả nước xảy ra trên 2.500 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 12 nghìn ha rừng, bình quân khoảng 2900 ha/năm. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 xảy ra 80 vụ, thiệt hại hơn 300 ha rừng.
Đặc biệt, “lâm tặc” thường tập trung khai thác ở các cánh rừng nguyên sinh, rừng quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên.
Theo TS Ngô Tiến Dũng, Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp), Việt Nam được đánh giá là 1 trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao, có hệ động thực vật hoang dã điển hình của rừng nhiệt đới. Mặc dù vậy, sự tồn vong của nhiều loài động, thực vật đang bị đe dọa ở mức nguy cấp. Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 đã thống kê được 882 loài động, thực vật bị đe dọa nguy cấp, tăng 161 loài so với giai đoạn 1992-1996.
Theo nhà khoa học, các loài động thực vật càng quý hiếm thì nguy cơ tuyệt chủng càng cao. Các loài sao la, thông nước, thông đỏ lá dài, thỏ vằn, voọc đầu vàng, voọc mông trắng… chỉ còn từ 70 đến dưới 200 cá thể còn sót lại ở Việt Nam. Đặc biệt, vào cuối tháng 4/2010, xác con tê giác Java cuối cùng đã được tìm thấy tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Kết luận điều tra do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) công bố cho thấy nạn săn bắn trộm có thể là nguyên nhân chính gây ra cái chết của cá thể tê giác quý hiếm vào bậc nhất thế giới này.
Loay hoay bảo vệ rừngTheo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã có các Luật cũng như văn bản dưới luật liên quan đến bảo vệ rừng và động vật hoang dã (ĐVHD), tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hưng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam, vi phạm bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật hoang dã diễn ra khá phổ biến, nhất là tại các khu bảo tồn, các VQG. Ví dụ như tại Khu bảo tồn thiên nhiên ĐăkRông, mỗi thợ săn sử dụng từ 300-500 bẫy dây/mùa. Các loại bẫy, dụng cụ săn được bày bán công khai. Các vi phạm nhỏ như quảng cáo trên thực đơn nhà hàng, nuôi nhốt ĐVHD có tính chất phổ biến hơn rất nhiều. Trong khi đó, hình phạt chưa tạo được tính răn đe.
Các chuyên gia Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam khảo sát rừng
Ảnh: Lê Văn Lanh
“Trong số 27 đối tượng bị bắt giữ liên quan tới hổ chỉ có 4 người bị phạt tù, 21 người bị thử thách hoặc tù treo; thậm chí có 2 vụ đối tượng không bị nhận bất cứ bản án nào. Chủ cơ sở nuôi nhốt bị phạt tù nhưng cơ sở vẫn được phép hoạt động bình thường” ông Hưng bày tỏ.
Thượng tá Lê Khả Hồng cho rằng, tình hình chống người thi hành công vụ thời gian gần đây cũng diễn ra hết sức gay gắt, ngày càng phức tạp, tinh vi. “Tội phạm lợi dụng những kẽ hở, các quy định pháp luật trong công tác quản lý và năng lực đấu tranh của các cơ quan chức năng để hoạt động khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm hủy hoại rừng, săn bắt, mua bán vận chuyển lâm sản, ĐVHD trái phép”, ông Hồng cho hay.
Cũng theo ông Hồng, còn nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản như kiến thức kỹ năng nhận dạng loài đối với ĐVHD và lâm sản của lực lượng chức năng còn hạn chế, kinh phí phục vụ việc lấy mẫu và giám định chưa được áp dụng, lực lượng cảnh sát môi trường chưa có chức năng tạm giữ người, phương tiện, tang vật.
Ông Trần Việt Hưng cho rằng, để chấm dứt nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái phép ở Việt Nam, đối với ĐVHD đã chết nên chuyển giao cho cơ sở hợp pháp hoặc tiêu hủy chứ tuyệt đối không bán đấu giá/thanh lý tang vật là ĐVHD.
Minh Cường
Nguồn :
Baodatviet.vn