Hội nghị các quốc gia thành viên CITES: Liệu các loài nguy cấp, quý, hiếm có được bảo vệ tốt hơn?

admin

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2016 – Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) kêu gọi các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) bỏ phiếu “Không đồng thuận” với đề xuất của Swaziland về hợp pháp hóa  buôn bán sừng tê giác. ENV cũng phản đối hoạt động gây nuôi hổ và đề xuất các đại biểu tham gia Hội nghị các quốc gia thành viên CITES (COP 17) sắp diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi bỏ phiếu tăng cường các biện pháp bảo vệ đối với tê tê.

 

 

 

Trong khi các loài tê giác trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn săn bắn tại châu Phi thì Vương quốc Swaziland lại đệ trình lên COP 17 một dự thảo cho phép hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác quốc tế. Quốc gia này không chỉ đề nghị được bán lượng sừng tê giác đang lưu giữa tại các kho mà còn muốn tiếp tục cắt sừng từ những cá thể tê giác còn sống để cung cấp cho thị trường.

 

ENV cho rằng ý tưởng bán sừng tê giác rồi sử dụng khoản tiền đó cho các hoạt động ngăn chặn nạn săn trộm tê giác là hoàn toàn sai lầm. Nếu sừng tê giác hợp pháp và bất hợp pháp cùng song song tồn tại thì sẽ ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực thực thi pháp luật quốc tế, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Việc khó có thể phân biệt giữa sừng tê giác hợp pháp và bất hợp pháp sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và dễ khiến cho các cán bộ thực thi pháp luật không muốn điều tra, phát hiện và xử lý các vi phạm liên quan đến sừng tê giác. Thêm vào đó, những nỗ lực và bước tiến nhằm giảm thiểu tiêu thụ sừng tê giác tại các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong suốt những năm qua cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu COP 17 cho phép hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác quốc tế.

 

“Nếu cho phép buôn bán và tiêu thụ sừng tê giác một cách hợp pháp thì chúng tôi sẽ phải giải thích với người dân Việt Nam như thế nào trong khi chúng tôi khuyến khích họ không nên sử dụng sừng tê giác? Nếu chúng ta thực sự muốn bảo vệ tê giác thì thay vì tìm cách kiếm lời trên mỗi mạng sống của tê giác chúng ta cần  quyết tâm và nỗ lực hết sức để bảo vệ các cá thể còn lại.” bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của ENV bức xúc. “Bởi vậy, ENV khuyến khích đại diện cơ quan CITES Việt Nam và tất cả các quốc gia thành viên bỏ phiếu phản đối đề nghị của Swaziland.

 

Trong khuôn khổ COP 17, ENV cũng khuyến khích đại diện các quốc gia thành viên CITES có biện pháp chấm dứt các hoạt động gây nuôi hổ vì mục đích thương mại, bởi các hoạt động này không những không có giá trị bảo tồn mà còn đe dọa đến các quần thể hổ còn lại trên thế giới.

 

Tình trạng gây nuôi hổ đã gia tăng đến mức đáng báo động tại Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực. Tại Việt Nam, số lượng hổ được gây nuôi đã tăng từ 5 cơ sở tư nhân với 55 cá thể năm 2007 đến 14 cơ sở với 189 cá thể vào tháng 7/2016. ENV đã thường xuyên tiến hành khảo sát và theo dõi hoạt động gây nuôi hổ tại các trang trại này. Trong số 14 vườn thú tư nhân và trang trại ENV đã tiến hành khảo sát, hành vi nhập lậu và buôn bán hổ và các bộ phận của hổ đã được ghi nhận tại 6 cơ sở. Ba vườn thú tư nhân khác cũng có ghi nhận các vi phạm liên quan đến quản lý biến động các cá thể hổ. Việc gây nuôi hổ tràn lan, không kiểm soát tại các trang trại đã dẫn tới sự gia tăng bất ổn của số lượng hổ nuôi nhốt trong các trang trại tư nhân bấp chấp đây là loài được pháp luật bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt và việc buôn bán hổ hoàn toàn bị nghiêm cấm. Gần đây nhất, một đối tượng đã từng hai lần bị kết án cho hành vi giết hại và buôn bán hổ, đã "núp" dưới tên vợ và được cấp phép thành lập cơ sở nuôi hổ tư nhân nhằm mục đích “giáo dục và bảo tồn”. Cơ sở này thậm chí còn được Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp phép để nhập khẩu 9 cá thể hổ từ châu Âu. Ngoài ra cơ sở này còn có15 cá thể thổ khác trước đó đã nhập từ một trang trại khác. “Chẳng có gì ngạc nhiên khi đối tượng vi phạm núp dưới những cái tên có tư cách pháp nhân,” bà Hà cho biết thêm. “Các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cần thể hiệncao tình thần “trách nhiệm” của mình và không nên tiếp tục đặt số phận của các cá thể hổ vào tay tư nhân.”

 

Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khẳng định: hổ nuôi nhốt không hề có giá trị bảo tồn. Cùng chung quan điểm, ENV cho rằng COP17 cần hướng tới giải quyết tình trạng gia tăng hoạt động gây nuôi hổ và nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng này.

 

Trước thềm Hội nghị COP 17, ENV cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất nâng mức bảo vệ cho tất cả các loài tê tê từ Phụ lục II lên Phụ lục I của CITES. Ở Việt Nam, việc thay đổi tình trạng bảo vệ, đặt cả 8 loài tê tê lên ngang mức bảo vệ với hổ, cùng với Bộ Luật Hình sự mới sớm có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong việc dễ dàng áp dụng các khung hình phạt liên quan tới tê tê: các vi phạm liên quan đến tê tê sẽ đều bị xử lý hình sự (trừ hành vi quảng cáo tê tê).  

 

Nhận định tổng quan về những kì vọng sẽ đạt được tại Johannesburg, bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV nói: “Chưa bao giờ cả thế giới lại đang dõi theo chúng ta như lúc này. Chúng tôi rất hy vọng rằng những quyết định đúng đắn sẽ được đưa ra tại Hội nghị lần này để đảm bảo sự sinh tồn của những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng từ nạn săn bắn và buôn bán. ENV hy vọng Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam sẽ hành động vì lợi ích tối cao của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm tại COP 17.”

 

 


 

COP17 sẽ diễn ra tại Johannesburg (Nam Phi) từ ngày 24 tháng 9 đến ngày 5 tháng 10 tới đây. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam sẽ tham dự hội nghị này và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cũng sẽ góp mặt với tư cách là quan sát viên.

 

COP 17 tại Johannesburg sẽ là lần thứ tư các bên nhóm họp tại Châu Phi kể từ khi Công ước CITES có hiệu lực vào 1 tháng 7 năm 1975, nhưng là lần đầu tiên từ năm 2000 trở lại đây. COP17 sẽ xem xét 62 dự thảo để tăng cường hoặc giảm thiểu sự quản lý về việc buôn bán quốc tế ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD, được thông qua bởi 64 nước thành viên trên toàn cầu. Tổng cộng có 500 loài được điều chỉnh bởi những thay đổi này.

 

Những tổ chức chống săn bắn tê giác tại Swaziland tin rằng nếu bán đi kho sừng tê 330kg thu thập từ những cá thể đã chết và từ những kẻ săn trộm có thể gây quỹ gần 10 triệu USD để hỗ trợ cho việc bảo vệ 73 cá thể tê giác trắng tại đất nước này khỏi việc bị săn trộm. Ngoài việc bán kho sừng này ra thị trường các nước Đông Á phục vụ nhu cầu Y học Cổ truyền, Swaziland còn có ý định thúc đẩy việc bán thêm hơn 20kg sừng tê mỗi năm, gây quỹ 600.000 USD bằng việc thu hoạch sừng từ các đàn tê giác và những chiếc sừng mọc lại từ các cá thể đã mất sừng.

 


 

 

Tags:

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522