Con tê giác cuối cùng của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã chết. Ảnh: Tiền Phong.
Con tê giác cuối cùng của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã chết. Tin này vẫn như mới hôm qua bởi vì nỗi buồn chưa nguôi ngoai trong lòng những người yêu thiên nhiên và tâm huyết với công việc bảo vệ động vật hoang dã.
Nhưng những trái tim tội nghiệp đó lại bị tổn thương khi nhận thêm hung tin một cá thể bò tót và một cá thể voọc chà vá quý hiếm tại Vườn Quốc gia Cát Tiên bị xẻ thịt. Dù người có tinh thần lạc quan nhất cũng mang nỗi hoài nghi về sự tồn tại của những động vật hoang dã quý hiếm thuộc sách Đỏ VN. Sẽ không ai ngạc nhiên khi một ngày rất gần, báo chí đưa tin về cá thể bò tót hay voọc chà vá cuối cùng ở VN đã bị hóa kiếp. 17 người sát hại bò tót và xẻ thịt bán. Các tổ chức quốc tế, quỹ môi trường toàn cầu tài trợ để bảo tồn các loài bò lớn hoang dã ở Vườn Quốc gia Cát Tiến sẽ nghĩ gì khi hay tin này.
Họ bỏ tiền để giúp mình bảo vệ tài sản thiên nhiên của VN và cũng là tài sản chung của nhân loại, còn dân mình lại giết hại để ăn thịt và bán đầu cho các trọc phú chơi ngông. Động vật hoang dã ngày càng ít đi bởi vì hành vi hoang dã của con người đang lớn dần lên.
Không chỉ Vườn Quốc gia Cát Tiên, động vật hoang dã quý hiếm ở nhiều vườn quốc gia khác cũng đang trong tình trạng nguy hiểm. Mạng sống của chúng bị rình rập từng ngày, những nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học trong và ngoài nước không đủ sức để bảo vệ chúng khỏi hành vi ứng xử hoang dã của con người.
Nữ tiến sĩ Rosi Stenke đến từ nước Đức, đã dành một phần đời để bảo vệ đàn voọc ở Cát Bà. Hằng ngày, bà đi bộ hàng chục kilômét trong rừng, chăm sóc đàn voọc, đến từng nhà thuyết phục người dân tham gia bảo tồn đàn voọc. Sự quyết tâm và lòng kiên nhẫn của bà cũng lay động ít nhiều các tay thợ săn địa phương. Rồi nhà khoa học Tilo Nadler, người Đức, đã dấn thân để cứu hộ thú linh trưởng tại VN. Họ được nhiều người VN trân trọng gọi là “hiệp sĩ”, mặc dù họ làm những công việc thầm lặng đó không vì bất cứ một loại danh hiệu nào.
Đáng tiếc là sự hy sinh của các nhà khoa học không thức tỉnh được cộng đồng. Thịt thú rừng hoang dã vẫn từ rừng chuyển ra phố, các quán nhậu thịt rừng vẫn tưng bừng khách sành hưởng thụ. Trong nhiều nhà của quan chức và đại gia, đầu bò tót, tay gấu, da hổ, da beo vẫn là các thứ để khoe khoang sự giàu có và sành điệu. Đôi khi tiền bạc chất cao hơn lại làm cho văn hóa lùn đi, đặt so sánh này vào trong trường hợp ăn chơi thú rừng hoang dã quả có phần thuyết phục.
Rõ ràng chúng ta đang rất cần một nền giáo dục chú trọng rèn luyện nhân cách và đạo đức, lòng hướng thiện ở con người, trong đó có tình yêu thiên nhiên. Hành động hủy diệt thiên nhiên, tàn sát động vật hoang dã hôm nay có nguồn gốc sâu xa từ giáo dục, không chữa trị tận gốc thì không chỉ một cánh rừng nguyên sinh hay một đàn tê giác quý hiếm bị huỷ diệt.
Theo Laodong.com.vn