admin
Anh Trần Anh Tú (nhân viên của trại) hướng dẫn cho các học sinh tham quan
Nhiều con thú hoang dã không sống nổi khi chưa về đến trung tâm vì vết thương quá nặng, nhiều con may mắn sống sót thì cụt tay, cụt chân, sức khỏe yếu… Đó là số phận của những con thú quý hiếm đang được chăm sóc tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM). Sau một thời gian cứu chữa, chăm sóc chúng lấy lại sức khỏe và được trở về với rừng xanh.
Bệnh viện dành cho thú hoang dã
Vừa cho chú “khỉ mặt đỏ” ăn rau trái xong, anh Trần Anh Tú (nhân viên chăm sóc thú tại trạm) di chuyển sang đám vượn đang líu lo hót ở chuồng bên. Đúng là nghịch như vượn. Thấy đoàn khách đến thăm, con nhao nhao hú gọi bầy, con hót líu lo, con sà xuống trước sự hiếu kỳ của khách, cũng có con thu mình lên cao. Trong số chúng, chú vượn nhỏ mang tên “Tiếng hót của cậu bé mồ côi” đu trên cao khiến nhiều người quan tâm, để mắt vì giọng hót có phần lạc lõng, đơn chiếc. Anh Tú nói: “Nó được đưa về từ rừng Bình Thuận trong tình trạng yếu ớt, run lẩy bẩy vì bố mẹ đã bị người ta săn bắt. Trải qua một thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, nó nhanh chóng khỏe mạnh, lớn khôn, hòa nhập bầy đàn. Song mỗi lần cất tiếng hót, phải đợi bầy đàn hót trước nó mới dám hót. Vốn từ nhỏ thiếu sự hỗ trợ của mẹ nên tiếng hót có phần lạc lõng, da diết. Anh em trong trạm đặt cho chú cái tên này”.
Trước khi về đây, nhiều loại thú rừng quý hiếm bị người dân nuôi nhốt phục vụ thú tiêu khiển hoặc được cứu về từ các tay săn bắt trái phép. Hai năm trước trạm nhận về một con vượn bị sập bẫy ở chân, nhìn vết thương rỉ máu, tiếng kêu rít rít, ánh mắt van lơn, cầu cứu với hơi thở thoi thóp khiến người đối diện khó kìm lòng. Để có được sự mạnh dạn với con người như thế này phải mất từ 5-6 tháng làm quen, thích nghi.
Ngay đầu cổng đi vào, mấy con gấu ngựa đang đùa nghịch, thỉnh thoảng vài con lại đầm mình xuống nước lăn qua lăn lại, lắc lắc người, hục hặc vài tiếng. Trong số đó, có hai con bị mất đi một bàn tay. Đang trong tư thế nằm, muốn đứng dậy, hai cá thể này phải dùng miệng chống xuống đất làm chân giả mà nhấc cơ thể nặng nề lên một cách khó khăn. Theo anh Lê Xuân Lâm, Giám đốc trạm thì những con gấu này do các hộ dân ở Tây Ninh, Tiền Giang bàn giao và giải thích lý do mất tay vì chúng bị tai nạn trước khi họ nhận nuôi. Song việc gấu mất tay, mất chân thì ai cũng hiểu chỉ có hai lý do: Con người chặt ngâm rượu hoặc sập bẫy của kẻ săn bắt trái phép. Chưa kể, một số con về đến trạm với cơ thể còn những lỗ đâm chọc để phục vụ việc lấy mật. Thể trạng chúng yếu ớt, gầy gò, mang trong người nhiều bệnh tật, thậm chí rụng hết lông.
“Chẳng biết chân gấu, mật gấu có công dụng đến mức độ nào mà con người cứ đổ xô tìm mua bằng được, đặc biệt là mật. Điều này vô tình biến gấu thành những nạn nhân thật đáng thương. Dưới bàn tay con người, chúng bị đâm chọc bụng hút mật không thương tiếc. Nhiều con, vết chọc hút mật vĩnh viễn không khép miệng khiến chúng nhiễm trùng, nhiễm bệnh khác mà chết. Điều đáng lo ngại hiện nay là thực trạng nuôi nhốt gấu phục vụ lấy mật diễn ra phổ biến”, anh Lâm ưu tư. Nhiều con gấu bị lấy mật, hành hạ thân xác, không chịu đựng nổi đau đớn đã tự tử bằng cách lấy tay đấm vào bụng hoặc đập đầu vào tường cho đến chết thì thôi.
Có thể nói, trạm cứu hộ được ví như một bệnh viện dành cho thú hoang dã. Mỗi một con vật vào đến đây đều có một hồ sơ bệnh án riêng. Con thì cụt tay, mất chân, do săn bắt, con thì bệnh tật truyền nhiễm do nuôi giữ trái phép… Vào đến trạm, chúng được chăm sóc theo quy tắc nhất định: Khám sức khỏe, vết thương, băng bó vết thương, cho uống thuốc, chăm ăn, và đặc biệt chúng được dành những khoảng không gian nhất định để nghỉ ngơi, chạy nhảy. Nhiều con may mắn sống sót, cũng nhiều con đã ra đi hoặc phải cắt bỏ tay, chân vì vết thương khiến chúng bị hoại tử. Song dù vết thương chúng có nặng nhẹ thế nào chăng nữa, các bác sĩ thú y, nhân viên cứu hộ đều yêu thương, cố gắng cứu chúng như những người bạn vậy. “Nhiều khi đang nửa đêm say ngủ, có tin đi nhận thú, không kể mưa gió, các anh đi ngay. Việc bị thú cào, cắn thì không thể tránh khỏi nhưng điều ấy chẳng hề hấn gì trước tình yêu động vật trong mỗi con người làm việc ở đây”, anh Lâm thổ lộ.
Trông chờ vào ý thức
Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi thành lập năm 2006 do Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR). Với diện tích chừng 4.000m2, trung bình mỗi năm khoảng hơn 500 cá thể như gấu, vượn, khỉ, culi, rắn, rùa, tê tê, rái cá, trăn, chim… được đưa về trạm. Tùy sức khỏe, vết thương từng cá thể, từng loài mà sau một thời gian chăm sóc từ 1 đến 2 tháng, hoặc từ 5 đến 6 tháng chúng lành bệnh, khỏe mạnh.
Những cá thể trước đó sống trong rừng, sau khi lành bệnh, chúng được trở về với rừng Cúc Phương hoặc rừng ở tỉnh Bình Thuận. Trường hợp đặc biệt nếu con nào bị thương quá nặng, khuyết bộ phận thân thể thì trạm đành giữ lại vì về thiên nhiên, việc kiếm ăn khó khăn, khả năng đấu tranh sinh tồn kém làm chúng dễ bị chết. Còn những con vốn bị nuôi nhốt, không có khả năng tự kiếm ăn thì được chuyển về Cát Tiên (Lâm Đồng), Hòn Mai (Kiên Giang) nuôi dưỡng để nhường chỗ cho những con bị thương khác đến. Hai năm trước, trạm có nhận một con báo hoa mai mang sức khỏe yếu do hộ dân ở Long An bàn giao. Sau một thời gian lưu lại trạm, chú báo này được chuyển đến Cát Tiên, thuận tiện trong việc chăm sóc dành cho thú dữ.
Những năm gần đây, nhận thức của con người trong việc bảo vệ động vật hoang dã đã được nâng cao. Đơn cử tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, mỗi năm đón cả trăm ngàn lượt người về thăm. Trong đó số đông là học sinh. Đây là hình thức trực tiếp giáo dục tình cảm yêu thương và nâng cao ý thức bảo vệ động vật ngay từ nhỏ trong mỗi HS. Bên cạnh đó, một số người dân phát hiện khu vực nuôi, giữ động vật trái phép đã báo lên Chi cục Kiểm lâm TP.HCM hoặc dưới sự vận động của chi cục, một số gia đình đang nuôi giữ phục vụ kinh doanh, tiêu khiển đều bàn giao về trạm. Tuy nhiên, con số này vẫn không thấm thía gì trước nạn săn bắt, nuôi giữ trái phép hiện nay.
Là người trực tiếp cứu chữa, giành lại sự sống cho hàng ngàn con thú hoang dã, nhưng trước thực trạng săn bắt thú rừng vô tội vạ như hiện nay, anh Lê Xuân Lâm không tránh khỏi những ưu tư: “Hầu hết động vật ở đây được liệt vào sách đỏ, báo động đang trên đà tuyệt chủng. Đơn cử như tê tê, vảy và thịt đều được cho là có giá trị, mang lại lợi nhuận cao. Một kílôgam thịt có giá khoảng 6 triệu đồng, vảy sử dụng làm thuốc nên tê tê là loài bị đe dọa tính mạng cao. Hay rái cá, lông của chúng có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ, bảo vệ thân nhiệt. Để có một cái áo phải cần đến 20 con rái cá và giá mỗi cái áo lên đến cả ngàn Euro. Vì thế chúng cũng lọt vào tầm săn bắt mạnh. Trước thực trạng này, nếu không cứu hộ, bảo tồn, không đẩy mạnh tuyên truyền ý thức bảo vệ động vật thì chẳng bao lâu chúng có thể tuyệt chủng”.
Nguyễn Trinh
Theo Giaoduc.edu.vn
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522