Phóng viên Tuổi Trẻ vừa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an TP.HCM (PC49) giải cứu 16 động vật hoang dã có tên trong sách đỏ.
Từ thông tin điều tra của PV Tuổi Trẻ, cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM
và PC49 giải cứu các loài thú về môi trường hoang dã - Ảnh: Hoàng Lộc
Đó là những loài như gấu, cu li, rùa hộp trán vàng, khỉ tai lợn... và cuộc giải cứu được thực hiện chiều 10-11. Để có sự giải cứu này, trước đó chúng tôi đã tiếp cận “lò” nuôi nhốt động vật hoang dã tại Q.8, 10 và Bình Thạnh.
Nước mắt thú rừngĐiểm tiếp cận đầu tiên là lò phân phối thú “độc” của bà Gái (hẻm 374 Lê Hồng Phong, Q.10), nơi bán rất nhiều loài từ rái cá, khỉ đít đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn đến sóc vằn, nhím, chồn đuôi dài, vẹt đầu hồng... Tại đây, nhiều thú rừng bị xích chân, xích cổ kìm kẹp trong lồng sắt. Đặc biệt, có hai con nhím bị thương ở lưng được nhốt trong lồng sắt gỉ sét. Đây là hàng “nóng hổi” vừa được thợ rừng săn bắt chuyển từ Đồng Nai về, bà Gái ra giá 3 triệu đồng.
Chỉ tay vào con khỉ đít đỏ đang nằm vật vã trong lồng sắt, bà Gái cho biết con này thuộc loài động vật quý hiếm nhưng đang bị thương nặng ở phần hậu môn, nếu ai đồng ý mua bà sẽ bán rẻ. Bà Gái còn cung cấp cả một số loài động vật sách đỏ như vượn vàng, vượn vàng sọc xám. Giá vượn vàng loại trên 1kg là 25 triệu đồng/cặp, dưới 1kg giá 20 triệu đồng/cặp. Theo tìm hiểu, điểm phân phối này mục đích chủ yếu để tìm mối, điểm tập kết hàng thú rừng quý hiếm chính của bà đóng ở Bình Dương.
Một điểm cung cấp động vật sách đỏ bí mật khác là lò của bà Phượng (hẻm 201 Dương Bá Trạc, Q.8), chuyên phân phối thú quý hiếm như beo, vượn vàng, đại bàng, chồn hương đuôi phụng... Khách mua chỉ cần đặt trước một tuần và tiền cọc 20% giá trị. Đặc biệt, hàng thú rừng của bà Phượng không bao giờ thiếu cu li, một loài động vật được xếp vào nhóm động vật quý hiếm trong sách đỏ.
Bà Phượng giới thiệu một con cu li vừa mới được thợ săn đánh bẫy, giá 1,2 triệu đồng. Để khẳng định là hàng rừng thứ thiệt mới “đánh” về, bà Phượng thẳng tay xách ngược một chân cu li lắc lắc. Con cu li đau đớn vật vã, trào nước mắt, miệng phát ra những âm thanh kêu eng éc. Bà Phượng nói nếu khách cần mua beo để biếu, bà vẫn có hàng, được mua từ “mối” hàng bẫy từ Campuchia, Lào. Giá một con beo con đốm vàng là 50 triệu đồng, nếu to hơn có giá 70-80 triệu đồng/con.
Giải cứuTừ thông tin của Tuổi Trẻ, chiều 10-11 đoàn liên ngành Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cùng các cán bộ PC49 đã đột nhập giải cứu các loài động vật hoang dã. Khoảng 15g cùng ngày, các trinh sát đã ập vào “lò” bà Phượng, phát hiện bà Phượng đang nuôi nhốt một con cu li, hai con rùa hộp trán vàng giấu trong phòng kín để giao cho khách.
Tiếp tục kiểm tra điểm phân phối thú rừng của bà Gái ở Q.10, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm gồm vẹt đầu hồng, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài và một số loài khác như sóc, nhím, chồn rèn... nằm la liệt cả ngoài đường, trong nhà. Trong đó, hai con nhím bỏ trong bao tải buộc chặt bị thương nặng, trên thân thể lông bị rụng rất nhiều chuẩn bị giao cho khách, một con chồn cũng trong tình trạng bị nhiều vết thương và sức khỏe rất yếu.
Ông Võ Văn Đức - đội trưởng đội kiểm lâm cơ động (Chi cục Kiểm lâm TP.HCM) - cho biết khi lực lượng liên ngành ập vào “lò” phân phối thú rừng của bà Gái kiểm tra thì xuất hiện nhiều đối tượng đến la ó, giành giật hòng cướp lại thú rừng, phải nhờ sự hỗ trợ của công an phường, dân phòng can thiệp mới giải cứu được các loài động vật an toàn. Riêng bà Phượng - chủ “lò” phân phối thú rừng ở Q.8 - đã bỏ trốn khi đoàn kiểm tra ập vào. Đoàn liên ngành đã lập biên bản, chuyển số động vật hoang dã về đội kiểm lâm cơ động để xử lý.
Ông Nguyễn Đình Cương - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - nhìn nhận đây là một cuộc giải cứu động vật hoang dã có quy mô tương đối lớn với 16 cá thể gồm một con cu li, hai con vẹt đầu hồng, hai con khỉ đuôi lợn, hai con khỉ đuôi dài (thuộc nhóm động vật quý hiếm, phụ lục 1B Cites, 2B Việt Nam) và bốn con sóc, hai con nhím, hai con rùa trán vàng, một con chồn. Trước mắt, một số con vật này sẽ được chuyển về trung tâm cứu hộ động vật ở Củ Chi (TP.HCM) để chăm sóc, đến khi khỏe mạnh sẽ thả về môi trường sống tự nhiên. Một số động vật khác như khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn... do sinh sản nhiều nên sẽ được chuyển về các trung tâm đủ điều kiện nuôi, chăm sóc để có thể phát triển tốt.
ĐỨC THANH - HOÀNG LỘC
Theo Tuoitre.vn