admin
Bằng các thủ đoạn và phương thức vận chuyển tinh vi, động vật hoang dã (ĐVHD) từ các tỉnh Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Bình Thuận... vẫn được tuồn về TP.Hồ Chí Minh mỗi ngày. Không chỉ bày bán công khai trên các tuyến đường, nhiều loại muông thú còn bị giết thịt dã man trong các nhà hàng, quán xá sang trọng phục vụ các đại gia lắm tiền nhiều của.
THÂM NHẬP CÁC “ĐIỂM NÓNG”
Mới 8 giờ sáng, “chợ” ĐVHD nằm trên đường 3 Tháng 2 thuộc P12Q10 đã nhộn nhạo người mua kẻ bán. Đây là một trong những địa điểm bày bán các loại thú độc cho dân chơi kiểng Sài thành. Sau nhiều ngày theo dõi, chúng tôi quyết định tiếp cận người phụ nữ tên P. (trú P.Tân Hưng, Q7) để tìm hiểu về “điểm nóng” này. Mới dừng xe, P. và một người đàn ông chừng 50 tuổi tên H. đã mời chào: “Vào xem đi các em, toàn hàng độc, quý hiếm mới bắt từ rừng về không à. Mới sáng sớm mở hàng chị giảm giá cho”. Bị nhốt trong lồng sắt chật chội, xe cộ ồn ào, nắng nóng, hàng chục chú sóc, rùa vàng, chim rừng... co rúm sợ hãi, há hốc miệng ra thở. Để sát lề đường có một chú khỉ con chừng ba tháng tuổi, thiếu sữa mẹ nên gầy nhom, ánh mắt vô hồn bấu tay vào cửa lồng kêu “khẹc khẹc”. Săm soi một hồi, chúng tôi ngỏ ý muốn mua chú khỉ con về nuôi. Tưởng vớ được khách sộp, P. hét giá “ba triệu đồng, hàng xịn, bảo đảm sống khỏe, nếu chết đến đây lấy lại tiền”. Theo P. thì con khỉ này bắt được ở một khu rừng mãi tận Đạ Huoai, Lâm Đồng, được các đầu nậu bán lại cho P. với giá 2,5 triệu, công chăm sóc, nuôi dưỡng gần tháng nay nên P. đồng ý bán lại giá ấy. Thấy chúng tôi lưỡng lự, P. “bồi” thêm: “Khỉ càng ít tuổi thì giá càng mắc vì dễ thuần phục, không cắn người như mấy con khỉ trưởng thành. Nếu mấy em muốn mua khỉ từ sáu bảy tháng tuổi hoặc hơn chị đều có, điện là cho người mang ra liền, giá bèo hơn”.
Đứng chừng mươi phút, chúng tôi thấy có rất nhiều người dừng xe hỏi mua, đa số là thanh thiếu niên theo trào lưu chơi các loại thú độc, lạ. Trong chiếc lồng sắt mà người ta thường nuôi chim kiểng nhốt đến 20 con sóc các loại. Đắt nhất là sóc bay giá 750 ngàn đồng/con, sóc bông 550 ngàn đồng/con, sóc ổ mối và sóc tổ đất có giá từ 180 - 250 ngàn đồng/con, rùa vàng dao động từ 150 - 300 ngàn đồng/con tùy theo tỉ trọng, kích thước. So với một số “điểm nóng” ở thành phố thì đường 3 Tháng 2 chim thú không nhiều bằng, tuy nhiên có những loại chim đặc biệt quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao như hồng hoàng, bói cá cánh vàng, họa mi Langbiang, cu rốc đầu đỏ... Theo anh Hồ Văn Nam, một người dân sống gần khu “chợ”, thì các tay buôn chỉ trưng ra một số chim thú bình thường để mời chào, còn những loại quý hiếm đều được cất giấu bí mật ở một địa điểm nào đó, khi khách hàng có nhu cầu sẽ dẫn tới tận nơi để xem hoặc gọi cho các tay chân thân cận đem tới. Ngoài chim, rùa, sóc, khỉ nhiều loại động vật khác như voọc, cu ly, dúi, rắn hổ mang chúa... đều được các tay buôn mua lại từ cánh đầu nậu để bán cho khách VIP kiếm lời. Nguồn hàng đưa về “chợ” rất phong phú, nếu là thú rừng thì từ các tỉnh Tây nguyên, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước chuyển về; chim chóc, rắn rết, bò sát... từ các tỉnh ĐBSCL. “Giữa trung tâm thành phố nhưng họ lại ngang nhiên họp chợ, buôn bán các loại ĐVHD bị nghiêm cấm. Nhiều lần cơ quan chức năng đến kiểm tra đột xuất nhưng cánh tay buôn đều biết trước nên tẩu tán hết, rất khó bắt được tận tay để xử lý” - anh Nam lắc đầu ngao ngán.
Trời đã nhá nhem nhưng chợ chim rắn trên đoạn đường dài gần 1km bên phía chân cầu Phú Mỹ (thuộc Q2) vẫn hoạt động nhộn nhịp, chào mời rôm rả. Thấy chúng tôi rà xe tới, một phụ nữ chừng 35 tuổi cầm hai túm chim chàng nghịch chừng chục con đã thui sạch lông óng ánh mỡ đưa ra trước mặt: “Mua đi em, loại này mà về rôti, xào lăn lên nhậu thì ngon phải biết. Tối rồi chị phải về đón con nên hạ giá cho”. Giá cả bình dân, chừng 50 - 60 ngàn đồng/con nên có rất nhiều người dừng lại mua. Phút chốc, cả thùng xốp đến vài trăm con đã được người phụ nữ này bán sạch. Cách đó không xa, người đàn ông tên P., quê Cần Đước, Long An đang chở trên xe máy chiếc lồng sắt với hàng trăm con chim rừng đang kêu la thảm thiết. Từ cò, vạc, le le cho đến chàng nghịch, cúm núm đều có tất. Ông P. cho biết: “Hàng của mấy bà bán mà chú mới xem được giết thịt, ướp lạnh cách nay cả tuần rồi, họ quết mỡ thui lên trông bắt mắt vậy thôi chứ về ăn dở lắm, có khi đau bụng chết. Tui bán hàng tươi sống, coi đắt chút nhưng ăn ngon bổ, đảm bảo an toàn vệ sinh tuyệt đối”.
Theo ông P. thì hàng bày bán trên tuyến đường này đa số được dân bẫy trộm trong các khu rừng, vườn chim ở Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... mang lên. Trung bình mỗi ngày ông P. bán chừng 150 - 200 con, lời cả triệu đồng. Do thấy dễ kiếm tiền nên thời gian gần đây khu vực này có đến vài chục người bán chim. Nguồn hàng được vận chuyển đủ các loại phương tiện, khi hết chỉ cần gọi điện sẽ có người mang tới. Theo Lê Văn Kiên, một tay nhậu ở Q7, thì ngày trước mỗi lúc anh em giao lưu là Kiên phóng xe ra khu chợ “di động” này kiếm mồi. Tuy nhiên ngon rẻ thế nào chưa biết, nhưng sau lần Kiên và mấy chiến hữu bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, anh thề không bao giờ mua chim ếch bán trên tuyến đường này nữa.
Trên một đoạn đường Lê Văn Khương thuộc Q12, mỗi lần thấy khách tấp xe vào, G.T.X (28 tuổi, quê Đức Hòa, Long An) lại móc trong túi ra con rắn hổ đất dài cả mét, nặng chừng 2kg mời chào. Thấy chúng tôi tỏ vẻ kinh ngạc, thích thú, X. “nổ” liên tục: “Loài này ngâm rượu thì tuyệt vời, mấy anh em ông nào yếu cái khoản “ấy” uống vào sung hết nói. Hàng mới bắt được ở Campuchia mang về, để rẻ cho ông anh giá ba triệu, khuyến mãi năm lít rượu ngon và bình ngâm”. Xem một hồi, chúng tôi nói với X. là cần một con rắn hổ mang chúa chừng 10kg, phải là rắn tự nhiên, giá nào cũng chơi. X. liếc nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, rồi nói giọng nắn gân: “Mấy ông đang thử tôi đấy chắc, hàng loại đó vừa quý hiếm vừa bị công an kiểm tra gắt gao, tui làm sao có”. Nhưng khi chúng tôi vừa quay xe đi, X. đã kêu lại: “Nói chung là hiếm nhưng không phải không có, mấy ông cần mua thì phải đặt cọc trước, sang tuần hoặc mươi ngày là có hàng mang tới”. Chưa ai xác định được món rắn hổ chúa ngâm rượu sẽ có tác dụng cường dương, bổ huyết nhưng hiện nay tại các cánh rừng Tây nguyên, Nam Cát Tiên, dọc các tỉnh biên giới loài rắn thuộc nhóm IB, có tên trong sách đỏ Việt Nam đang dần bị săn bắt ráo riết. Rồi một ngày không xa, thú chơi vô bổ, tàn độc của con người sẽ khiến loài rắn được mệnh danh là chúa của các loài rắn bị tuyệt diệt.
THÚ RỪNG LÊN BÀN NHẬU
Chưa có thống kê hay một chiến dịch cụ thể nào về việc truy quét các nhà hàng, quán xá tại TPHCM chuyên sử dụng, chế biến thịt ĐVHD. Theo ước tính sơ sơ của N.V.H, một đầu nậu ở khu vực Đồng Nai - Lâm Đồng, hàng ngày thị trường có số dân đông nhất nước này tiêu thụ vô số thịt thú rừng, trong đó có những loại động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Quốc lộ 13 là cửa ngõ phía đông đi vào trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Từ ngã tư Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước (Q.Thủ Đức) dài chừng 3km nhưng vài năm nay có cả chục quán nhậu, nhà hàng. Khá nhiều quán bán thịt thú rừng cho các đại gia lắm tiền nhiều của. Theo chân Lê Văn G., một giám đốc kinh doanh ôtô ở P. Hiệp Bình Phước, chúng tôi đi “thưởng thức” thịt rừng. Quán H.B nằm ngay bên quốc lộ, bề ngoài trông có vẻ đơn sơ nhưng khi vào trong mới thấy sự hoành tráng, sang trọng với hàng chục phòng lạnh khép kín, bên ngoài có hơn trăm bàn dành cho dân nhậu trung lưu. Cũng như nhiều quán hàng khác, H.B trưng bày trong tủ kiếng rất nhiều loại cá, bò sát, những lồng sắt nhốt đầy các loại chim từ chàng nghịch, cu đất, gà lôi, còn các loại ĐVHD được cất giấu ở hầm bí mật. Thấy khách quen vào, hai nhân viên nữ xinh như mộng chào đón nồng nhiệt rồi đưa lên phòng VIP đã đặt trước. Vừa ngồi vào bàn, G. đã lên tiếng: “Hôm nay anh tiếp mấy chú em ở Hà Nội mới vào, nhà hàng có món gì ngon cứ mang ra đây. Phục vụ cho tốt chút anh “bo” đẹp!”.
Nhìn thoáng qua menu, chúng tôi chỉ thấy những món bình dân với giá từ 80.000 đến 100.000 đồng/dĩa, các loại tôm đất, ba ba, kỳ nhông, vịt trời... thì tùy theo thời giá. Đang xem dở, G. giật lấy ném sang bên rồi lên giọng trịch thượng: “Những món đặc sản của quán này có tìm đỏ mắt mấy chú cũng không thấy trong đó. Giờ muốn ăn tê tê, chồn, cheo, hổ đất, kỳ đà..., thích là có ngay. Cứ ăn chơi xả láng, lâu ngày anh em mới gặp nhau”. Không cần chúng tôi lên tiếng, G. đã kéo tiếp viên đến bên thầm thì điều gì đó. Sau năm phút chạy ra ngoài, người này xách vào một con chồn hương nặng chừng 3kg, đang cố vùng vẫy trong chiếc lồng chật hẹp để thoát ra ngoài. G. gật đầu hài lòng, cười tự đắc như muốn khoe mình là “thổ địa” vùng này, quán gì, món nào, ở đâu cũng đều biết hết. “Người ta cứ tưởng những nhà hàng sang trọng ở Q1, Q3 mới có thịt thú rừng. Nhưng ăn chơi ở các quận huyện vùng ven trông chừng “đẳng cấp” hơn vì món độc gì cũng có, lại không bị săm soi, dòm ngó nên cứ gọi vô tư” - G. tươi cười cho hay. Cuộc nhậu chừng hai tiếng đồng hồ nhưng mất đứt gần chục triệu bạc, nhưng để được “lên” mặt với mấy anh em, G. không một chút tiếc nuối
Quốc lộ 13 là một trong những tuyến đường huyết mạch, lượng xe tải, xe khách từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên qua lại thường xuyên. Vì vậy, đây cũng chính là con đường vận chuyển ĐVHD, thịt thú rừng xuống TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Những hàng quán nằm bên đường rất thuận tiện cho việc lấy hàng, mỗi khi hết chỉ cần “alô” là các đầu nậu cho người mang tới. “Họ thường gởi hàng trên các xe khách quen thuộc, tin cậy, một số đầu nậu thì cho đệ tử đánh ôtô mang xuống tận nơi. Thời gian giao hàng chủ yếu vào buổi tối hoặc lúc về sáng, khi mà các lực lượng chức năng ít để ý, kiểm soát” - chị Lê Thị L., một người dân sống bên nhà hàng H.B, cho hay.
Từ Q4 về Q7, qua cầu Tân Thuận chừng 1km, chúng ta bắt gặp hàng loạt nhà hàng nằm dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh. Theo dân nhậu chuyên nghiệp thì khu vực này có rất nhiều quán bán thịt rừng, giá cả không mắc như ở Q1, Q3. Một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến quán A.N - một nơi được cho là sơn hào hải vị, loại gì cũng có. So với một số quán bên cạnh, A.N có quy mô hoành tráng, sang trọng, khách khứa ra vào tấp nập. Phía ngoài có hàng chục dãy bàn nhưng đều chật cứng khách, càng về chiều thì khách càng đông. Trộn lẫn trong không gian là mùi xào nấu bay ngào ngạt, tiếng cụng ly, tiếng “dô... dô”, tiếng nhạc vọng ra... tạo nên một mớ âm vị hỗn độn.
Do đã đặt bàn trước và đi với một vị cán bộ X. có máu mặt nên chúng tôi được ông chủ chạy ra chào đón, tay bắt mặt mừng. Sau màn giới thiệu lấy lệ, ông chủ gọi hai nhân viên trẻ đẹp trong trang phục bắt mắt đứng bên hầu rượu. Chưa kịp để khách lên tiếng, vị chủ quán đã mở lời: “Hôm nay các anh đến đúng lúc, tụi em mới nhập hàng từ Tân Phú (Đồng Nai) về, đảm bảo tươi sống, chất lượng”. Không bao giờ ghi trong menu nhưng vị chủ quán thuộc nằm lòng các món đặc biệt như tê tê giá 6 triệu đồng/kg, hổ mang chúa 2,7 đồng/kg, chồn hương 1,7 triệu/kg... Sau một hồi thảo luận, chúng tôi đồng ý dùng món tê tê, loại động vật rừng quý hiếm mà theo vị cán bộ X. thì cực kỳ bổ dưỡng, chế biến được nhiều món. Cũng như nhiều quán ăn khác, A.N không bao giờ ghi trong menu các món thịt rừng hay trưng bày bên ngoài vì sợ cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Những con thú càng quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp được cất giữ bí mật, canh gác nghiêm ngặt. Ngoại trừ những khách hàng quen thuộc, A.N không bao giờ giới thiệu những món “độc” cho người lạ mặt.
Thú rừng bị săn bắn đưa về các nhà hàng còn sống rất hiếm, nếu có cũng chỉ để làm “mác”, đánh lừa khách hàng. Sau nhiều ngày thâm nhập các điểm nóng bán thịt ĐVHD, chúng tôi để ý khi khách yêu cầu “xem tận mặt, sờ tận tay” thì chủ sai nhân viên đưa hàng tươi sống lên, tuy nhiên khi vào bếp thì lấy hàng trong tủ cấp đông ra chế biến. Do được tẩm ướp các loại gia vị khác nhau cùng các thủ thuật “phù phép” tinh vi nên khách hàng không thể nhận ra đâu là hàng đã chết từ lâu, đâu là hàng tươi sống. Lợi nhuận của việc buôn bán thịt thú rừng rất lớn nên hiện nay các nhà hàng sang trọng ở trung tâm thành phố hay các quận huyện vùng ven đều kinh doanh mặt hàng này.
(Còn tiếp)
Theo Triều Dương - Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522