admin
Ngày 5 tháng 4 năm 2016, Cơ quan quản lý CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora – Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam đã tiến hành kiểm tra để xác nhận điều kiện cơ sở vật chất chuồng trại của Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn, Nghệ An. Nếu đạt đủ điều kiện nuôi nhốt, Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn sẽ được phép nhập khẩu thêm 9 cá thể hổ để phục vụ mục đích nuôi dưỡng, nhân giống trưng bày và phục vụ giáo dục bảo tồn. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chủ cơ sở này không phải là vợ của Phạm Văn Tuấn, một đối tượng “khét tiếng” đã có 2 tiền án về tội phạm liên quan đến giết hại, buôn bán hổ cùng nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp khác.
Ngành công nghiệp nuôi nhôt hổ đang phát triển rầm rộ (Ảnh: ENV)
Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), bà Nguyễn Thị Liên, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm, vợ ông Phạm Văn Tuấn, đã được UBND Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái từ cuối tháng 1/2016. Cơ sở này cũng đã tiếp nhận 15 cá thể hổ từ Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh, Nghệ An.
Phạm Văn Tuấn là đối tượng có 2 tiền án liên quan đến hổ. Hiện nay, Phạm Văn Tuấn cũng đang bị nghi ngờ là đối tượng cầm đầu một đường dây chuyên buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD (bao gồm hổ, tê tê, ngà voi và sừng tê giác) xuyên biên giới Việt Nam – Lào –Thái Lan
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV bày tỏ sự bức xúc: “ENV cho rằng việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cho một đối tượng đã có hai tiền án tội phạm liên quan đến ĐVHD là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Cấp phép cho vợ chồng Phạm Văn Tuấn gây nuôi hổ đồng nghĩa với việc các cơ quan này đã chính thức thỏa hiệp và tạo điều kiện cho đối tượng có cơ hội lợi dụng danh nghĩa cơ sở được cấp phép để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD trong tương lai.”
Hơn 30 năm qua, quần thể hổ của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã bị suy giảm nghiêm trọng. Theo Liên minh Bảo tồn hổ quốc tế (ITC), trên thế giới chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã. Tại Việt Nam số lượng này chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ trong tự nhiên. Trong khi đó, các hoạt động buôn bán hổ trái phép tại Việt Nam đang phát triển dưới các loại hình kinh doanh hợp pháp. Theo điều tra của ENV, số lượng hổ bị nuôi nhốt trong các vườn thú và trang trại tư nhân trong những năm gần đây đã tăng vọt từ 81 cá thể (2010) lên tới 179 cá thể (2015). Bà Bùi Thị Hà cũng chia sẻ thêm: “ENV rất quan ngại về sự phát triển các trang trại hổ tại Việt Nam. Qua nhiều năm điều tra, ENV có thể khẳng định rằng hầu hết các trại nuôi hổ hiện nay không hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn mà thực chất là để hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp. Với quyết định của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, chúng ta đang đặt số phận của những cá thể hổ mang danh nghĩa phục vụ lợi ích giáo dục bảo tồn trong tay một tên trùm buôn bán, tàng trữ hổ.”
Việc cấp phép cho các cơ sở gây nuôi ĐVHD, bao gồm cả những loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lí loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, trong đó có hổ, đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Điều này hiện đang tác động rất lớn đến công tác bảo tồn các loài ĐVHD ở Việt Nam. Cơ quan chức năng nào sẽ phải chịu trách nhiệm nếu loài hổ và các loài ĐVHD nguy cấp khác của Việt Nam bị tuyệt chủng như tê giác? Bà Hà đề xuất: “Việc làm đúng đắn nhất của UBND tỉnh Nghệ An là ngay lập tức thu hồi lại giấy phép gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm đã cấp cho vợ chồng Phạm Văn Tuấn, đồng thời tổ chức điều tra làm rõ những sai phạm của đối tượng này.”
Tags:
Tin hoạt độngBởi admin Bình luận
Xem Thêm
Bởi admin Bình luận
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…
Xem Thêm1800 1522