Diễn biến mới nhất của vụ bắt giữ "đầu sỏ" buôn bán ĐVHD Nguyễn Mậu Chiến

admin

Thông tin vụ việc

Ngày 27/4/2017, Phòng 2 Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) vừa phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Hà Đông bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng một số đối tượng khác với tang vật thu giữ khoảng 36 kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ con đông lạnh, ngà voi, da sư tử và một số sản phẩm chế tác từ ngà voi và các loài ĐVHD khác.

Tang vật thu giữ ở nhà đối tượng.

Được biết, hiện nay đối tượng đã bị khởi tố với hai tội danh: (1) Tội tàng trữ hàng cấm và (2) Tội vận chuyển hàng cấm, theo quy định tại Điều 155 BLHS 1999. Các cơ quan chức năng có liên quan cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để sớm truy tố và đưa đối tượng ra xét xử theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định khởi tố vợ của Chiến là đối tượng Lê Thị Hồng (trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) về tội danh “Tàng trữ hàng cấm” theo quy định tại Điều 155 BLHS 1999. Các cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục điều tra, làm rõ và sẽ sớm đưa một số đối tượng khác có liên quan ra trước ánh sáng.

Quan điểm của ENV

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám Đốc ENV chia sẻ “Không thể phủ nhận việc điều tra và triệt phá đường dây của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến là một chiến công vang dội trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ĐVHD của Việt Nam. Tuy nhiên, thành công bước đầu này chỉ thực sự có ý nghĩa khi đối tượng bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. ENV hy vọng các cơ quan tố tụng sẽ tiếp tục giữ vững tinh thần thép và không để bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định liên quan đến đường dây của đối tượng này.”.

Theo ENV, việc nghiêm trị những đối tượng cầm đầu các đường dây tội phạm lớn như Nguyễn Mậu Chiến là tiền đề vô cùng cần thiết để răn đe, phòng ngừa tội phạm cũng như thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ĐVHD. Tuy nhiên, khá đáng tiếc là theo một nghiên cứu gần đây của ENV trên cơ sở phân tích dữ liệu thu thập được từ năm 2010 về các vụ án buôn lậu và buôn bán lớn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, số lượng đối tượng chịu án phạt tù giam trong những vụ án này tương đối thấp. Nếu tính riêng kết quả xử lý các vụ buôn lậu và buôn bán lớn ĐVHD trong giai đoạn 2014-2016, chỉ có khoảng 17,9% trên tổng số 156 vụ án hình sự mà ENV xác định được kết quả xử lý, có áp dụng mức hình phạt tù giam với các đối tượng phạm tội. Thay vì phải chịu hình phạt thích đáng và có tính răn đe cao nhất là hình phạt tù giam, nhiều đối tượng phạm tội trong các vụ án nói trên (ngay cả khi vận chuyển 31 chiếc sừng tê giác) cũng chỉ phải chịu mức án “tù treo”, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tập trung triệt phá các đường dây buôn bán ĐVHD lớn, ENV hy vọng các cơ quan chức năng sẽ áp dụng những hình phạt thích đáng đối với các đối tượng phạm tội nhằm:

• Gia tăng rủi ro cho các đối tượng vi phạm và ngăn ngừa những hành vi tương tự;
• Củng cố niềm tin của nhân dân vào một xã hội pháp quyền;
• Củng cố uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong nước và quốc tế, với tư cách một quốc gia có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép ĐVHD;
• Giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép để ĐVHD có thêm điều kiện phục hồi, góp phần bảo vệ tốt hơn các loài ĐVHD trong tự nhiên tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Tin liên quan

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) vừa…

Xem Thêm
CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

Bởi admin Bình luận

Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522