Đề xuất tịch thu hổ ở trang trại của trùm buôn bán động vật hoang dã

admin

Liên quan đến vụ việc cháu bé bị hổ vồ phải nhập viện cấp cứu xảy ra tại Thanh Hóa, mới đây trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã đề xuất tịch thu toàn bộ số hổ nuôi trong trang trại.


Mới đây, trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có Công văn số 365/2017/ENV ngày 19/6/2017 gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa về việc “tịch thu hổ tại cơ sở nuôi nhốt của hộ gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa)”.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 7253/UBND-NN yêu cầu sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chi cục Kiểm lâm tỉnh này nghiêm túc thực hiện, khẩn trương phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thọ Xuân cùng các đơn vị liên quan căn cứ, xem xét kiến nghị của ENV.

Được biết, đầu năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Nguyễn Mậu Chiến về việc nuôi nhốt bất hợp pháp 12 cá thể hổ tại cơ sở của đối tượng. Sau đó, vì mục đích nghiên cứu bảo tồn số cá thể hổ này, UBND tỉnh đã giao cho Chiến nuôi thí điểm. Đến nay, ngoài 1 cá thể hổ chết được ghi nhận vào tháng 12/2008, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề biến động (không có hổ con sinh ra hoặc chết đi).

Trước đó, vào ngày 28/5, sau buổi tổng kết năm học, em Mai Văn Chiến (13 tuổi), trú xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân và bạn cùng lớp rủ nhau tới trang trại nuôi hổ ở xã Xuân Tín chơi. Khi 2 bé trai trèo lên tường rào xem hổ, bất ngờ một con trong đàn vồ trúng chân Chiến, khiến phần bắp thịt và nhiều mạch máu bị đứt. Không có người lớn phát hiện trợ giúp, một bạn đi cùng đã cởi áo băng bó vết thương rồi chở Chiến về nhà.

Sau đó, em Chiến được chuyển đến bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân cấp cứu. Do vết thương nặng, em được chuyển ra viện Bỏng Quốc gia điều trị.

Được biết, trại nuôi nhốt hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến không đạt được mục đích nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn, không có tác dụng giáo dục môi trường, giáo dục thiên nhiên hay nghiên cứu khoa học. Riêng ông Nguyễn Mậu Chiến được xem là ông trùm đường dây buôn bán sừng tê giác, ngà voi xuyên quốc gia.

Theo trung tâm ENV, năm 2007, ông Chiến từng bị bắt ở Châu Phi và bị xử phạt hành chính do vận chuyển một số sản phẩm động vật hoang dã.

 

Mới đây nhất vào ngày 27/4, phòng 2 cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) bộ Công an, phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hà Đông, TP.Hà Nội đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn, tịch thu 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử cùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và các loài động vật hoang dã khác.

Qua đấu tranh, các đối tượng đã khai nhận, 2 cá thể hổ đông lạnh có nguồn gốc từ trang trại nuôi hổ của Chiến tại tỉnh Thanh Hóa. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Mậu Chiến.

Theo chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, năm 2012, đơn vị cấp giấy chứng nhận nuôi nhốt hổ cho gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến với thời hạn 5 năm, số lượng 12 cá thể. Quá trình nuôi có một con bị chết, cơ sở hiện còn 11 con, đến nay trang trại nuôi hổ trên đã hết phép.

Tuy nhiên sau sự việc này, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang cân nhắc việc có tiếp tục cấp phép cho trại nuôi nhốt hổ này nữa hay không.

Tin liên quan

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) vừa…

Xem Thêm
CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

Bởi admin Bình luận

Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522