Đề xuất kháng nghị bản án sơ thẩm dành cho “đầu sỏ” buôn lậu sừng tê giác

admin

Hôm nay 22/3/2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đồng kính gứi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án "Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn vận chuyển, tàng trữ hàng cấm" ngày 20/03/2018 của Tòa án Nhân Dân (TAND) quận Hà Đông theo hướng tăng nặng hình phạt đối với Nguyễn Mậu Chiến - đối tượng bị nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) khác từ châu Phi về Việt Nam.

Đối tượng Nguyễn Mậu Chiến trong 1 phiên xét xử

Trước đó, trong phiên xét xử tại TAND quận Hà Đông ngày 20/3/2018, đối tượng Nguyễn Mậu Chiến đã bị kết án 13 tháng tù và phạt bổ sung 10 triệu đồng vì hành vi vận chuyển và tàng trữ hàng cấm.

Phát biểu sau buổi xét xử, bà Bùi Thị Hà – Giám đốc phòng Chính sách và Pháp luật ENV chia sẻ: “ENV đã hy vọng vào một bản án thích đáng sẽ được đưa ra trong phiên tòa, không những trừng trị đối tượng phạm tội mà còn góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD. Nhưng rất đáng thất vọng, mức án 13 tháng tù giam được đưa ra hôm nay đã không phản ánh đúng tính chất nghiêm trọng của vụ việc cũng như các đối tượng phạm tội.”

Theo quan điểm của ENV, hình phạt trên còn quá nhẹ, chưa tương thích với hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Mậu Chiến, cần kháng nghị tăng nặng hình phạt vì những lý do sau:

Thứ nhất, ENV cho rằng việc Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định tuyên bị cáo Nguyễn Mậu Chiến phạm một tội dù trên thực tế Nguyễn Mậu Chiến là người giữ vai trò chính, lôi kéo các đồng bọn, chỉ huy toàn bộ quá trình phạm tội và thực hiện hai hành vi phạm tội là "vận chuyển hàng cấm" và "tàng trữ hàng cấm" là không hợp lý. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Mậu Chiến đã đáp ứng cấu thành hai tội phạm độc lập theo quy định tại Điều 155 BLHS 1999 và không liên quan đến nhau (hành vi vận chuyển không phải là điều kiện để thực hiện hay hệ quả tất yếu của hành vi tàng trữ và ngược lại). Do vậy, việc Hội đồng xét xử tuyên án Nguyễn Mậu Chiến về một tội danh và quyết định hình phạt với tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" là không hợp lí về mặt lí luận và thực tiễn xét xử. Bị cáo rõ ràng đã thực hiện hai tội phạm độc lập và cần xác định hình phạt riêng cho mỗi tội phạm này trước khi tổng hợp hình phạt.

Thứ hai, việc HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm (p) Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46 với các tình tiết: “thành khẩn khai báo”, “hoàn cảnh gia đình khó khăn”, “đối tượng có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án tiền sự” còn chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, trong hai phiên tòa công khai xét xử vụ án ngày 27/11/2017 và ngày 20/3/2018, bị cáo đã trả lời vòng vo, không trung thực một số câu hỏi của HĐXX và nhiều lần bị Thẩm phán yêu cầu trả lời trung thực. Thêm vào đó, việc đối tượng có một trang trại nuôi nhốt 11 cá thể hổ tại Thanh Hóa (được khai hoạt động không vì mục đích thương mại) và tàng trữ một khối lượng lớn hàng cấm có giá trị đặc biệt lớn vì mục đích “sử dụng” cũng cho thấy gia đình bị cáo không gặp khó khăn về mặt tài chính. Không những vậy, Nguyễn Mậu Chiến cũng không được coi là có nhân thân tốt. Đối tượng đã từng có vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD và bị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính về hành vi nuôi nhốt trái phép 10 cá thể hổ theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2320/QĐ-UBND ngày 03/08/2007.

Thứ ba, xét trên tương quan hình phạt hơn 10 tháng tù đối với các đồng phạm Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Mậu Thuận, hình phạt 13 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Mậu Chiến là chưa tương thích với vai trò của bị cáo là người cầm đầu, lôi kéo và chỉ huy toàn bộ quá trình phạm tội vận chuyển hàng cấm cũng như tàng trữ hàng cấm của bị cáo và đồng bọn.

Thứ tư, việc xử phạt Chiến 13 tháng tù là bất hợp lí, không có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD. Vụ việc của Nguyễn Mậu Chiến là một trong những vụ việc có số lượng sừng tê giác và ngà voi lớn nhất bị bắt giữ trong nội địa Việt Nam (trừ các vụ việc bắt giữ tại cảng hàng không, hàng hải). Mặc dù Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là "BLHS 2015") không có giá trị hồi tố đối với hành vi phạm tội của bị cáo, tuy nhiên xét trên tương quan so sánh, hình phạt cho hành vi vận chuyển, tàng trữ sừng tê giác từ 9 kg trở lên đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất của điều luật là từ 10 đến 15 năm tù theo BLHS 2015, cho thấy mức độ nghiêm trọng của hành vi vận chuyển 32 kg sừng tê giác và tàng trữ hơn 2 kg sừng tê giác, 17 kg ngà voi, 2 cá thể hổ đông lạnh cùng nhiều sản phẩm từ ĐVHD bất hợp pháp khác của đối tượng. Ngày 09/11/2017, Tòa án nhân dân huyện Bến Cầu đã tuyên phạt đối tượng Hoàng Văn Thưởng 9 tháng tù về hành vi vận chuyển 4 kg ngà voi (án đã có hiệu lực). Ngày 21/11/2017, Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai cũng đã tuyên phạt đối tượng Nguyễn Anh Sơn 18 tháng tù về hành vi tàng trữ 14 kg sừng tê giác (án đã có hiệu lực). Chính vì vậy, hình phạt 13 tháng tù dành cho Chiến là bất hợp lí.

Thứ năm, vụ án vận chuyển và tàng trữ hàng cấm của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế và trong nước. Vụ việc bắt giữ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến được xem là chiến công lớn, thể hiện cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại tình trạng săn bắt và buôn bán trái phép ĐVHD. Tuy nhiên, bản án 13 tháng tù cho Nguyễn Mậu Chiến đồng nghĩa với việc chỉ còn hai tháng nữa, đối tượng nguy hiểm này sẽ được trả tự do và hoàn toàn có thể tiếp tục vận hành đường dây buôn bán ĐVHD. Bản án này đã làm giảm đáng kể ý nghĩa chiến công phòng chống tội phạm trước đó của các cơ quan chức năng, gây phẫn nộ trong dư luận, đặc biệt là giới bảo tồn khi cùng ngày 20/03/2018, cá thể đực cuối cùng của loài tê giác trắng phương Bắc (Ceratotherium simum cottoni) đã chết và loài này sẽ sớm tuyệt chủng trong thời gian sắp tới.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc của ENV cũng chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn một bản án đúng người đúng tội sẽ được đưa ra cho đối tượng Chiến. Hành vi của đối tượng đã gây thiệt hại nặng nề đối với môi trường sinh thái, đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng của các loài nguy cấp, quý, hiếm, gián tiếp hủy hoại môi trường sống của con người. Do đó, việc xét xử nghiêm minh, tổng hợp hình phạt trên cơ sở áp dụng hình phạt thích đáng cho từng tội danh của bị cáo sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong công tác phòng chống tội phạm về ĐVHD, mà còn góp phần gìn giữ hình ảnh của Việt Nam và đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ theo pháp luật quốc tế.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Bộ luật hình sự 2017 tăng mức phạt tù tối đa đối với tội phạm về ĐVHD từ 7 năm lên đến 15 năm tù. ENV hy vọng với khung pháp lý mới cùng việc tăng cường điều tra, triệt phá các mạng lưới buôn lậu ĐVHD, những đối tượng có hành vi giết hại, buôn bán động vật quý hiếm như tê giác, voi làm xấu hình ảnh Việt Nam như đối tượng Chiến sẽ bị trừng trị thích đáng.

Tin liên quan

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

ENV KIẾN NGHỊ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CẤP BÁCH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522