admin
Với Chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu, Lê Thị Trang (28 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã nhận giải thưởng quốc tế Nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới- Future For Nature Award 2015.
Lê Thị Trang (ngoài cùng bên phải) đưa các bạn học sinh tham quan bán đảo Sơn Trà
Trang luôn tâm niệm rằng, khi còn trẻ hãy nắm lấy cơ hội của mình và hãy làm việc tận tâm, sống biết sẻ chia, thương yêu, đùm bọc, khi thời gian trôi qua, bạn sẽ không hối tiếc vì những gì đã qua mà xem đó là động lực để mình vươn tới.
Sáng đầu năm 2015, Đà Nẵng có chút nắng nhẹ và lành lạnh. Chúng tôi ngồi trò chuyện với Trang cùng các đồng nghiệp của Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (GreenViet), có trụ sở đóng dưới chân bán đảo Sơn Trà - nơi Trang đang gắn bó và nuôi giấc mơ chinh phục loài linh trưởng tuyệt đẹp chà vá chân nâu trên báo đảo Sơn Trà.
Trang đến với giải thưởng này cùng chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), một loài linh trưởng đẹp nhất trên thế giới, nằm trong Sách đỏ có nguy cơ diệt chủng cao tại bán đảo Sơn Trà.
Bốn mục tiêu mà dự án của Trang đưa ra để tham gia giải thưởng bao gồm: Nghiên cứu lại toàn bộ số liệu về loài voọc chà vá chân nâu; Từ kết quả nghiên cứu đó sẽ đưa thông tin đến những nhà bảo tồn để vận động chính sách, giúp chính quyền thành phố có những cân nhắc và tính toán hợp lý trong quy hoạch, bảo đảm không phá vỡ hệ sinh thái; Đẩy mạnh truyền thông giáo dục đến với người dân; Hướng đến năm 2020, loài voọc chà vá chân nâu sẽ trở thành biểu tượng đầy thân thiện của Đà Nẵng.
Lê Thị Trang (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm GreenViet
Trang tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm 2009 ngành Công nghệ môi trường, nhưng vì đam mê và yêu thích các hoạt động bảo tồn nên Trang đã bắt đầu tham gia tình nguyện cho các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại Đà Nẵng từ năm 2007.
Ra trường, Trang làm việc trong nhóm dự án Mac Arthur khu vực miền trung, Tây Nguyên của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), phụ trách khu vực từ Quảng Trị đến Gia Lai.
Công việc lúc đó của Trang là nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Từ tháng 4/2013, Trang về với GreenViet với mong muốn đóng góp công sức và kinh nghiệm để phát triển các chiến lược truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực, mở đầu với Chiến dịch bảo tồn loài chà vá chân nâu (Pygathrixmemaeus) tại bán đảo Sơn Trà.
Sức trẻ và sự cống hiến của các bạn vì một môi trường xanh thật sự khiến chúng tôi cảm thấy lòng ấm áp. Cũng từ TOP 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc thế giới này, nếu Trang tiếp tục được là một trong ba ứng viên xuất sắc nhận giải thưởng trị giá 1,5 tỷ đồng thì đây chính là cơ hội để nhà bảo tồn trẻ này bắt tay ngay vào việc bảo tồn đa dạng sinh học trên báo đảo Sơn Trà, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu.
Trang hào hứng: “Em đang đợi một sự may mắn tiếp theo, vì sẽ có cơ hội tiếp cận sự hỗ trợ từ những nhà tài trợ cũng như những nhà hoạch định chính sách quan trọng.
Tất cả vì mục đích bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung và voọc chà vá chân nâu nói riêng. Từ đó có thể kêu gọi cộng đồng, đặc biệt các bạn trẻ cùng trang lứa cùng chung tay bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã quý hiếm”.
Chung vui với Trang cùng giải thưởng này, Giám đốc GreenViet Trần Hữu Vỹ chia sẻ: Những trải nghiệm của Trang qua thực tế công việc và sự tận tâm vì công việc đã giúp Trang mang lại niềm vui cho cả gia đình GreenViet khi nhận được giải thưởng lớn này.
Sau giải thưởng, nhiều cá nhân, tổ chức quốc tế đã tìm đến với GreenViet để trợ giúp, kết nối, hợp tác cùng bảo tồn đa dạng sinh học trên báo đảo Sơn Trà.
Báo đảo Sơn Trà với sự phong phú về đa dạng sinh học đang là điểm đến hấp dẫn đối với người dân và du khách. Để nâng cao nhận thức của mỗi người cùng hành động vì môi trường xanh và chung tay bảo tồn đa dạng sinh học, hiện Trang và các bạn trẻ trong GreenViet thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa cho học sinh các cấp Đà Nẵng tham quan bán đảo Sơn Trà.
10 năm gắn bó với công tác bảo tồn động vật hoang dã trên nhiều công việc khác nhau, Trang đang ấp ủ dự định theo học thạc sĩ tại Úc hoặc Mỹ, để có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về các loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu.
Theo số liệu từ năm 1997 thì hiện trên báo đảo Sơn Trà có khoàng 350 cá thể voọc chà vá chân nâu. Vì chưa có một con số thống kê nào gần đây nhất nên việc bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này đang gặp không ít khó khăn.
Nhà bảo tồn trẻ Lê Thị Trang mong muốn lập lại danh sách gia đình lớn của voọc chà vá chân nâu để có một cách nhìn tổng quát và chương trình hành động cụ thể vì sự tồn tại, phát triển của loài động vật quý hiếm này.
Nguồn: Báo Nhân Dân
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522