admin
Tổ chức Động vật châu Á đang bắt đầu chiến dịch cứu hộ gấu lớn nhất trong vòng 4 năm nay, di chuyển 14 cá thể gấu nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đây chính là chiến dịch cứu hộ đánh dấu việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, kế hoạch di chuyển 14 cá thể gấu nuôi nhốt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được di chuyển về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo từ ngày 23-26.6.2015.
Đây là những cá thể gấu của các chủ nuôi gấu có đơn tự nguyện giao nộp trong tháng 6.2015 sau khi được các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh thuyết phục, vận động để đưa về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam nuôi cứu hộ. 14 cá thể gấu ngựa hiện đang được nuôi nhốt rải rác trong 10 trại tư nhân trên địa bản tỉnh Quảng Ninh.
Quá trình cứu hộ dự kiến diễn ra trong 4 ngày, các cá thể cứu hộ sẽ được đưa dần về Trung tâm trong ngày để đảm bảo quá trình chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho gấu. Các chuyên gia, bác sĩ, và công nhân chăm sóc của Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam sẽ tiến hành các thủ tục khám sức khỏe, kiểm tra chip, và chăm sóc bắt đầu từ ngày đầu tiên cứu hộ.
Đoàn cứu hộ và 4 chú gấu đầu tiên được di chuyển từ Quảng Ninh về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc)
Chiến dịch bắt đầu bằng việc cứu hộ hai cá thể gấu tại trang trại của ông Nguyễn Thanh Nhượng tại thị xã Quảng Yên - một trong 3 trại gấu mà Tổ chức Động vật châu Á đã tiến hành khám lâm sàng, phát hiện hơn 70% các cá thể gấu suy dinh dưỡng trầm trọng tại thời điểm tháng 11.2014.
Trong ngày đầu của chiến dịch, 4 cá thể thuộc hai trại gấu của ông Nhượng và ông Tỵ thuộc phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên đã được cứu hộ an toàn và đưa về Trung tâm ngay trong ngày dưới sự chăm sóc đặc biệt của các chuyên gia thú y.
Sự thành công của chiến dịch phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của các chủ nuôi gấu, sự phối hợp nhiệt tình của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự hỗ trợ trực tiếp của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, cũng như công tác chuẩn bị chu đáo, chi tiết của đoàn cứu hộ Tổ chức Động vật châu Á.
Chiến dịch cứu hộ này sẽ đánh dấu sự khởi đầu và thành công của Tổ chức Động vật châu Á trong công tác chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật tại tỉnh Quảng Ninh. Theo dự kiến, đến tháng 8.2015, tỉnh Quảng Ninh sẽ không còn gấu bị nuôi nhốt để phục vụ cho ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật, góp phần bảo vệ và bảo tồn loài gấu quý hiếm của Việt Nam.
Gấu được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe để quyết định phương pháp dịch chuyển
Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á chia sẻ: “Tổ chức Động vật châu Á đã thực hiện các chiến dịch chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật ở Hạ Long liên tục từ năm 2007. Trong suốt bốn năm gần đây, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh chúng tôi đã triển khai những chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng đến từng khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long nhằm chấm dứt việc đến du lịch và đi thăm và mua mật gấu tại các trại gấu.
Những nỗ lực trên của các cơ quan chức năng và tổ chức chúng tôi đã có kết quả tốt đẹp, thể hiện trực tiếp từ việc cứu hộ 14 cá thể gấu này - số lượng gấu tại Quảng Ninh từ trước tới nay. Đây chính là một tín hiệu tích cực thể hiện quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi gấu lấy mật, chúng tôi hy vọng số gấu còn lại sớm được chuyển giao về Tam Đảo trong thời gian gần nhất".
"Công tác chuẩn bị hậu cần cho cứu hộ cũng được chúng tôi chuẩn bị chu đáo. Nhân lực có kinh nghiệm của tổ chức đã được huy động tối đa cho đợt chuyển giao gấu này. Tuy nhiên, việc các trại gấu rải rác ở nhiều địa điểm trên khắp tỉnh từ thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều..., cộng với tình trạng sức khỏe yếu của các cá thể gấu cũng là những thách thức đối với tiến độ của quá trình cứu hộ." - tiến sĩ Tuấn chia sẻ thêm.
Ngày đầu tiên cứu hộ, đã có 4 cá thể gấu từ hai trại đầu tiên từ thị xã Quảng Yên được đưa về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam vào tối 23.6.
4 cá thể gấu đầu tiên đã được chuyển về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam tại vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vào 21 giờ ngày 23.6
Bốn chú gấu được đặt tên lần lượt là: Cinnamon (Quế), Angielica (Bạch chỉ) - (hai trong 32 tên cây thuốc có tác dụng thay thế cho mật gấu) được cứu hộ bằng phương pháp ghép sát lồng vận chuyển vào lồng nuôi nhốt. Và Shanti (Hòa Bình), Cinta (Tình yêu) - hai chú gấu được cứu hộ bằng gây mê, khám sức khỏe và đưa vào lồng vận chuyển. Bốn cá thể gấu đầu tiên đều trong tình trạng sức khỏe yếu, gầy gò, một cá thể bị cụt chi (Cinnamon), một cá thể mất khả năng nhìn do đục thủy tinh thể (Cinta).
Do bị nuôi nhốt lâu ngày và chăm sóc không đúng cách, nhiều chú gấu đã bị tổn thương khá nặng như thối móng, cụt chi, hỏng răng...
Dự kiến phương án chuyển giao gấu nuôi tiếp theo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam: Ngày 24.6 sẽ cứu hộ 3 cá thể gấu tại TP.Cẩm Phả. Ngày 25.6 cứu hộ 4 cá thể gấu tại TP.Hạ Long. Ngày 26.6 sẽ cứu hộ 3 cá thể gấu tại TP. Uông Bí và TX. Đông Triều.
Sau chiến dịch cứu hộ 14 cá thể gấu trong tháng 6.2015, Quảng Ninh chỉ còn 17 cá thể gấu đang được nuôi tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn. Số gấu còn lại đang được chính quyền và các cơ quan chức năng vận động để có thể chuyển giao về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Kể từ tháng 11.2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 35 cá thể gấu bị chết, Tổ chức Động vật châu Á đã và đang cứu hộ được 17 cá thể gấu từ Quảng Ninh, cả tỉnh còn 16 cá thể gấu nuôi nhốt.
Nạn gấu chết hàng loạt tại Quảng Ninh cũng phản ánh thực tế tồn tại trên cả nước. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp tại thời điểm tháng 3.2015, có 700 cá thể gấu đã chết chỉ trong vòng năm 2014 và hiện Việt Nam còn 1.245 cá thể gấu ngựa nuôi nhốt.
Nguồn: motthegioi.vn
Bởi admin Bình luận
[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…
Xem Thêm1800 1522