Cấp phép nuôi hổ cho đối tượng chuyên buôn bán hổ: Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An từ chối thu hồi giấy phép

admin

Ngày 5/4/2016, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã thông tin về vụ việc vợ chồng Phạm Văn Tuấn - đối tượng chuyên buôn bán hổ đã được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nghệ An cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái. Trước lo ngại về mục đích thực sự của việc gây nuôi hổ tại cơ sở của vợ chồng Tuấn, ENV đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi giấy phép nhưng lại nhận được phản hồi gián tiếp từ chối từ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nghệ An – cơ quan được UBND tỉnh giao tham mưu xử lý vụ việc này.

july-12-2016-tcbc-phan-hoi-cua-cqcn-nghe-an 

Hổ bị nuôi nhốt trong trang trại (Ảnh: ENV) 

Cụ thể, trong công văn số 2144 STNMT-BVMT ngày 29/4/2016 báo cáo kết quả xác minh việc cấp phép nuôi hổ cho Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định: Hồ sơ đề nghị cấp phép của công ty này, cũng như việc tham mưu, cấp phép của UBND đều đảm bảo đúng quy trình và thời hạn quy định theo Luật Đa dạng sinh học và Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Việc “trùm” buôn bán hổ Phạm Văn Tuấn là chồng hợp pháp của bà Nguyễn Thị Liên – chủ sở hữu Công ty TNHH Một thành viên Bách Ngọc Lâm và đồng sở hữu khối tài sản chung hợp nhất của 2 vợ chồng cũng không được cơ quan này đề cập.

Trước kết luận gây tranh cãi này, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc, Phụ trách Chương trình Chính sách và Pháp luật của ENV nhận định: “Việc tham chiếu Điều 13 Nghị định 160/2013/NĐ-CP, vốn là điều luật chỉ áp dụng cho các cơ sở “bảo tồn đa dạng sinh học” để cấp phép “nuôi, trồng loài ưu tiên bảo vệ”trong trường hợp này là sai căn cứ pháp luật. Cơ sở của Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm chưa hề được thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.”

Bà Hà cho rằng quy trình cấp phép cho Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm cũng bộc lộ nhiều kẽ hở. “Để cơ sở của Công ty TNHH Bách Ngọc Lâm được nuôi hổ, cần phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Thời hạn cấp là 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Chúng ta đương nhiên phải khuyến khích các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý hồ sơ để đảm bảo lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, trong trường hợp này, từ thời gian nộp hồ sơ cho tới khi cấp phép gây nuôi đối với một loài ĐVHD đặc biệt nguy cấp, cho một cơ sở có mối liên hệ với đối tượng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ ĐVHD lại chỉ vỏn vẹn 10 ngày. Thêm nữa, trong bối cảnh các quy định pháp luật liên quan đến điều kiện chuồng trại còn chưa rõ ràng, Đoàn kiểm tra cấp phép lại chỉ bao gồm các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An, mà thiếu vắng hẳn sự tham gia của các nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu về bảo tồn hổ. Liệu kết quả kiểm tra có thật sự khách quan?” bà Hà bày tỏ quan ngại.

Từ kết quả này, có thể thấy được một thực trạng đáng lo ngại trong việc cấp phép gây nuôi ĐVHD là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Bà Hà nhấn mạnh: “Thay vì chỉ chú trọng đến các vấn đề pháp lý, cơ quan có thẩm quyền cần phải suy xét toàn diện rằng quyết định của mình có thể gây tác động tiêu cực đến việc bảo tồn ĐVHD trong tự nhiên hay không? Với nhiều hạn chế trong quy trình cấp phép và việc thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD như hiện nay, thì việc gây nuôi ĐVHD nguy cấp quý hiếm bất kể vì mục đích gì một cách tràn lan khó kiểm soát sẽ đều có tác động tiêu cực.”

Gây nuôi ĐVHD– một vấn đề đã và đang gây không ít tranh cãi – liệu có thực sự là một giải pháp bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên? Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 27/7/2016 tới đây, ENV sẽ tổ chức họp báo “Gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD nguy cấp quý hiếm - Con đường dẫn đến sự tuyệt chủng”. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát trên quy mô lớn về tình trạng gây nuôi thương mại ĐVHD ở Việt Nam đã được ENV tiến hành nghiên cứu từ năm 2014, với hy vọng sẽ là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc sửa đổi một cách hợp lý những thể chế, chính sách về gây nuôi thương mại và buôn bán ĐVHD. 

PDF:

ENV phúc đáp UBND tỉnh Nghệ An

Trả lời của Sở Tài nguyên Nghệ An

 

Tin liên quan

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) vừa…

Xem Thêm
CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

Bởi admin Bình luận

Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522