admin
Ngày 29/5, cơ quan chức năng tỉnh Cần Thơ đã tiến hành chuyển giao một cá thể gấu ngựa đến Trạm Cứu hộ gấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (do tổ chức Free the Bears quản lý). Đây cũng là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn, chính thức đưa Cần Thơ trở thành địa phương thứ 22 trong cả nước không có gấu nuôi nhốt.
Với sự hỗ trợ của ENV, đây là đợt chuyển giao gấu thứ ba diễn ra trong năm nay và là kết quả nỗ lực của Chính phủ cũng như các tổ chức đối tác trong việc thúc đẩy chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm thành phố Cần Thơ chia sẻ: “Trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, Chi cục kiểm lâm thành phố Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với chủ nuôi gấu để đảm bảo điều kiện nuôi nhốt gấu tốt hơn tại cơ sở. Chủ nuôi đã đồng ý chuyển giao cá thể gấu cho cơ quan chức năng nhằm góp phần bảo vệ gấu. Sự phối hợp hành động giữa Chi cục kiểm lâm với chủ nuôi và Trạm Cứu hộ gấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên hoàn toàn xuất phát từ mục tiêu chung nhằm thúc đẩy chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.”
Sự kiện chuyển giao gấu lần này cũng là một bước tiến lớn trong tiến trình triển khai mô hình địa phương không có gấu nuôi nhốt do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và các đối tác: Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, Tổ chức Four Paws khởi xướng từ năm 2017 nhằm hỗ trợ Chính phủ thúc đẩy lộ trình chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng và hoan nghênh nỗ lực của cơ quan chức năng tỉnh Cần Thơ trong việc đưa Cần Thơ trở thành địa phương tiếp theo không còn gấu nuôi nhốt. Chúng tôi hi vọng sẽ ngày càng có nhiều địa phương khác trong cả nước cũng tiếp bước Cần Thơ nỗ lực vận động chuyển giao các cá thể gấu còn lại tại địa phương. Thêm một địa phương chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tức là Việt Nam đang tiến thêm một bước gần hơn đến chặng đường không còn gấu nuôi.”
Tháng 4/2018, Tổ chức Four Paws đã cứu hộ hai cá thể gấu nuôi cuối cùng tại tỉnh Nình Bình và đưa về Trang trại bảo tồn gấu do tổ chức này quản lý tại tỉnh này. Với việc cứu hộ thành công hai cá thể gấu này, Ninh Bình đã trở thành địa phương không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật.
Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm 2018, đã có thêm hai địa phương không còn gấu nuôi nhốt. Điều này đã khẳng định xu hướng tất yếu chấm dứt nuôi nhốt gấu ở các địa phương trong cả nước. ENV kêu gọi các địa phương khác trong cả nước vẫn còn gấu nuôi nhanh chóng hành động và có các biện pháp cụ thể để sớm trở thành tỉnh/thành phố không còn gấu nuôi nhốt.
“Đã đến lúc cần gia tăng áp lực để các chủ gấu từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu. Để làm được điều này, cần phải ngăn chặn nguồn lợi bất chính họ thu được từ hoạt động khai thác và kinh doanh mật gấu trái phép.”
Bà Dung cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Những chủ nuôi gấu còn lại cần phải hiểu rằng kinh doanh mật gấu ở Việt Nam là vi phạm pháp luật hình sự. Ccộng đồng cũng đang dần quay lưng với việc sử dụng cũng như các quan niệm cố hủ về tác dụng của mật gấu. Đã đến lúc các chủ nuôi cần từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu,” bà Dung khẳng định.
Năm 2005, Việt Nam có hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở trên cả nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm với những nỗ lực bền bỉ, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm xuống còn khoảng 900 cá thể vào cuối năm 2017. Ngày càng nhiều chủ nuôi nhốt gấu tự nguyện chuyển giao gấu nuôi nhốt đến các trung tâm cứu hộ. Điều này đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của chính các chủ nuôi về sự cần thiết phải chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lỗi thời này.
Tags:
Tin hoạt độngBởi admin Bình luận
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) vừa…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
Ngày 18/7/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng…
Xem ThêmBởi admin Bình luận
Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ…
Xem Thêm1800 1522