CÁC CHỦ GẤU CHUYỂN GIAO 15 CÁ THỂ GẤU VỀ CÁC TRUNG TÂM CỨU HỘ, GIÚP CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG NUÔI NHỐT GẤU LẤY MẬT

admin

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2020 – Hôm nay, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã cứu hộ thành công 07 cá thể gấu từ 2 cơ sở ở tỉnh Bình Dương. Các chủ gấu này đã tiếp nối nhiều chủ gấu khác trên cả nước “giải phóng” các cá thể gấu khỏi các chuồng cũi chật hẹp để chúng có một sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ.

 

Ngoài 7 cá thể gấu được cứu hộ ngày hôm nay thì còn có thêm 06 cá thể gấu khác tại Lâm Đồng, Hải Dương và Hà Nội đã được chuyển giao trong tháng 10  và 02 cá thể gấu từ Phú Thọ được chuyển giao vào ngày 03 tháng 11 vừa qua. Như vậy, tính từ đầu tháng 10/2020 tới nay, trên cả nước đã có tổng cộng 15 cá thể gấu được chuyển giao từ các cơ sở nuôi gấu lấy mật đến các trung tâm cứu hộ.

 

Một cá thể gấu đang chờ được cứu hộ (Ảnh: ENV)

Trong những năm gần đây, nhiều chủ gấu đã quyết định chuyển giao các cá thể gấu của mình tới trung tâm cứu hộ.” bà Vũ Thị Quyên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết. “ENV sẽ tiếp tục nỗ lực vận động các chủ gấu khác trên khắp cả nước cho tới khi hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam chấm dứt hoàn toàn.

 

Năm 2005, cả nước có khoảng hơn 4.300 cá thể gấu bi nuôi nhốt tại các trang trại để lấy mật. Tính tới tháng 11/2020, con số này đã giảm xuống chỉ còn dưới 400 cá thể với hơn 60% tỉnh thành ở Việt Nam không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Đây là thành quả từ sự nỗ lực trong suốt nhiều năm của chính phủ, các cơ quan thực thi pháp luật, cộng đồng và một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.

 Bản đồ các tỉnh thành không có gấu bị nuôi nhốt lấy mật tại Việt Nam (Nguồn: ENV)

“Thật tuyệt vời khi được chứng kiến tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam đang đi đến hồi kết.” Bà Maya Pastakia, Quản lý các chiến dịch toàn cầu của tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (World Animal Protection) chia sẻ. “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật. Số lượng gấu trong các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật đã giảm tới 90% kể từ năm 2005. Chúng tôi rất mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực khắc phục những lỗ hổng pháp lý để Việt Nam sớm  chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp này.

 

Bà Pastakia nhấn mạnh rằng 15 cá thể gấu này nằm trong số những cá thể may mắn có cơ hội được sống trong một môi trường tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ. Tuy nhiên, nhiều cá thể khác không được may mắn như vậy và đã chết tại các cơ sở nuôi gấu lấy mật hoặc tiếp tục bị nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ.

 

Đây là chuyến cứu hộ gấu lớn nhất của chúng tôi trong năm 2020,” Bà Barbara van Genne, Quản lý Chương trình Cứu hộ Động vật hoang dã & Vận động Chính sách của tổ chức Four Paws cho biết. “May mắn thay, nhờ vào đội ngũ chuyên gia tận tụy và giàu kinh nghiệm, các cá thể gấu này sẽ được chăm sóc tận tình trong môi trường sống phù hợp, thay vì phải sống cả phần đời còn lại trong những chuồng cũi chật hẹp.

 

Tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, Four Paws đem đến một ngôi nhà mới tuyệt vời cho những cá thể gấu được giải cứu. Ở đó, các cá thể gấu được sống cùng đồng loại trong một môi trường bán hoang dã với khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và sự chăm sóc của các chuyên gia thú y.

 

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình

Nhóm các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn gấu tại Việt Nam bao gồm ENV, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới và tổ chức Four Paws kêu gọi lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành nơi vẫn còn diễn ra tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật có những hành động quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại địa phương. Cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành này cần khuyến khích các chủ gấu chuyển giao gấu và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, khai thác, chích hút mật gấu để từ đó tạo tính răn đe cao, góp phần vào nỗ lực chung nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trên cả nước.

 

Liên minh Bảo tồn Gấu tại Việt Nam cũng kêu gọi tất cả các chủ gấu trên khắp cả nước, đặc biệt tại Hà Nội – điểm nóng về nuôi nhốt gấu lấy mật lớn nhất cả nước -  tiếp bước các chủ gấu khác và tự nguyện chuyển giao gấu

 

 “Đã đến lúc những chủ gấu còn lại ở Việt Nam nên theo xu thế chung của các chủ gấu tiến bộ trên cả nước; loại bỏ hoàn toàn tàn dư quá khứ - hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn -  trong xã hội Việt Nam văn minh hiện đại.” Bà Vũ Thị Quyên kêu gọi.

 

THÔNG TIN CHUNG

 

Năm 2005, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến tới thỏa thuận mang tính bước ngoặt để từng bước xóa bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam.

Tại thời điểm năm 2005, Việt Nam có hơn 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở. Gần như tất cả số gấu này đều có nguồn gốc bất hợp pháp; bị săn bắt, buôn bán từ khi còn là gấu con. Mặc dù vào những năm 1990, gấu vẫn là loài được pháp luật bảo vệ nhưng do quá trình thực thi pháp luật còn nhiều yếu kém nên số lượng gấu nuôi bất hợp pháp cứ dần gia tăng với hơn 1,300 cơ sở.

Hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam, Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới và ENV đã cung cấp các thiết bị và tập huấn nghiệp vụ để gắn chíp các cá thể gấu tại các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật. Đến năm 2006, khoảng 4,300 cá thể gấu bị nuôi nhốt đã được đăng ký và gắn chíp quản lý nhằm ngăn chặn việc gấu mới phát sinh tại các cơ sở nuôi nhốt. Song song với hoạt động này, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh thành cũng đã tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động nuôi nhốt gấu. Những cá thể gấu không có chíp/chưa được đăng ký được tịch thu và chuyển tới các trung tâm cứu hộ của Nhà nước hoặc tới một trong số các trung tâm bảo tồn gấu được điều hành bởi các tổ chức quốc tế như Four Paws, Free the Bears và Animals Asia Foundation.

Kể từ năm 2005, ENV đã thực hiện một chương trình mang tính chiến lược với nhiều hoạt động nhằm từng bước chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, ENV đã nỗ lực: 1) giảm cầu tiêu thụ mật gấu và những sản phẩm từ gấu, 2) tăng cường thực thi pháp luật đối với những vi phạm liên quan đến gấu và 3) hợp tác với các cơ quan chính phủ để củng cố, hoàn thiện chính sách & pháp luật, đem lại những tác động tích cực cho nỗ lực chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

 

Thành tựu

Từ năm 2005, số lượng gấu tại các cơ sở nuôi nhốt gấu lấy mật đã giảm 90%. Tính tới ngày 1/11/2020, trên cả nước chỉ còn khoảng 400 cá thể gấu tại các trang trại.

Theo một khảo sát về thái độ và hành vi sử dụng mật gấu do ENV tiến hành năm 2009, 22% trong tổng số 3,000 người tham gia khảo sát đã từng sử dụng mật gấu trong vòng 2 năm trở lại thời điểm đó. Số liệu trong lần khảo sát thứ hai vào năm 2014 cho thấy số lượng người sử dụng mật gấu đã giảm 61% so với 5 năm trước.

Trong quý I năm 2020, Phòng Bảo vệ Động vật Hoang dã của ENV đã ghi nhận 246 vụ việc liên quan đến gấu. Một số vụ việc bao gồm nhiều hành vi vi phạm khác nhau. Theo đó, giai đoạn Q1/2020, có tổng số 483 hành vi vi phạm về gấu, chủ yếu bao gồm hành vi quảng cáo và buôn bán các bộ phận của gấu hoặc sản phẩm từ gấu trên mạng internet. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ xử lý thành công vụ việc liên quan đến gấu của ENV đạt tới 72.8%. 

Từ năm 2005, ENV đã phối hợp với các cơ quan chức năng thúc đẩy việc chuyển giao gấu tới các trung tâm cứu hộ và cơ sở bảo tồn, bao gồm cả những cá thể gấu trái phép bị tịch thu cũng như những cá thể gấu được tự nguyện chuyển giao.

 

Quy định pháp luật

Cả hai loài gấu ngựa và gấu chó đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất. Theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP và Nghị định 06/2019/NĐ-CP, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của từ một cá thể gấu, dẫn xuất gấu (như mật) sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt lên tới 15 năm tù giam. Hành vi quảng cáo bán gấu và các sản phẩm, bộ phận từ gấu cũng là hành vi bất hợp pháp.

 

Sự chăm sóc lâu dài

Năm 2019, tổ chức Four Paws đã thành lập Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, tạo thêm không gian sống cho những cá thể gấu được giải cứu từ các cơ sở nuôi nhốt. Tổ chức Animals Asia Foundation cũng điều hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Ở khu vực phía Nam, tổ chức Free the Bears vận hành một Trung tâm cứu hộ Gấu tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước cũng có các trung tâm cứu hộ có khả năng tiếp nhận gấu.

Tin liên quan

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

RA MẮT PHIM NGẮN TRUYỀN THÔNG: PHÓNG SINH ĐỘNG VẬT HOANG DÃ: THIỆN HAY ÁC?

Bởi admin Bình luận

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) vừa…

Xem Thêm
CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

CUỘC CHIẾN BẢO TỒN CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ TẠI VIỆT NAM

Bởi admin Bình luận

Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522