Bẫy thú rừng giữa đại ngàn

admin

Chỉ có kinh tế mới quyết định rừng, thú rừng còn hay mất.

22 giờ đêm, Dương - một thợ săn chuyên nghiệp nhắn tin chúng tôi phải có mặt gấp ở nhà anh ta nằm dưới chân núi Takou để chuẩn bị cho chuyến băng rừng vào nửa đêm.


“Ninja” của bóng đêm bị bắt quả tang cùng vô số bẫy,
lồng săn bắt động vật hoang dã.
(Ảnh do Khu bảo tồn thiên nhiên Takou cung cấp)


“Những con chim ẩn mình chờ chết”

Theo Dương, Khu bảo tồn thiên nhiên Takou (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Do đó vào rừng ban đêm, đánh bẫy xong về nhà, hôm sau quay trở lại kiểm tra sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, nếu gặp may còn có thể kiếm được vài con chim ăn đêm.

Khoác ba lô đựng chặt các loại bẫy nặng trịch, nhặt cây súng hơi cũ mèm của Tiệp Khắc, Dương mang lên đầu đèn đeo trán như thợ mỏ rồi huýt sáo gọi con chó phèn và giục chúng tôi lên đường.

Nhà gần núi nên chỉ hơn chục phút, chúng tôi đã có mặt ở con đường mòn dẫn vào khu rừng sến ở suối Vàng. Con phèn nhanh nhảu chạy trước. Bỗng nó bất ngờ dừng lại rồi co giò phóng vào rừng, cùng lúc là tiếng vỗ cánh bay lên của mấy con chim te te quành quạch giật mình kêu inh ỏi cả một góc rừng. Dương ném ba lô xuống, dặn chúng tôi đứng yên ở đường mòn rồi xách súng băng băng vào rừng. Ánh đèn pin trên đầu gã thợ săn quét loang loáng xuyên màn đêm trong khu rừng tĩnh mịch. Chưa đầy chục phút, Dương và con chó phèn đã quay ra trên tay là con chim te te quành quạch với bộ lông màu xám trúng đạn ở cổ. Dương đắc thắng nói gọn lỏn: “Loài chim này thường chết vì cái miệng la quá lớn”.

Sau gần 1 giờ băng rừng, chúng tôi cũng đến được suối Vàng, nơi tập trung rất nhiều loài linh trưởng ở Takou. Đang ngồi dưới một gốc sến cổ thụ uống nước, nghỉ xả hơi bỗng lùm cây sung đầy trái trước mặt chúng tôi rung lên bần bật. Nhanh như cắt, Dương lia đèn về phía tiếng động và chúng tôi vẫn kịp nhìn thấy hai con mắt của con thú khá lớn đỏ như than nhìn trừng trừng vào ánh đèn pin. Tay thợ săn chỉ kịp đưa súng lên chưa kịp bóp cò, con thú thoắt đã biến mất. Gã thợ săn hậm hực trách chúng tôi sao quá nhanh nhảu bấm máy ảnh khiến đèn flash làm con thú sợ chạy vuột mất. Theo Dương, con thú trên là cầy tai trắng, một loài thú quý hiếm có trong Sách đỏ bán rất có giá do cực kỳ nhanh nhẹn và vô cùng khó bắt.

Chọn một trảng cỏ lông heo có chu vi chừng non ba sào đất, Dương bắt đầu lấy cuộn bẫy cò ke làm bằng dây thắng (phanh) xe đạp ra (đây là loại bẫy đơn sơ nhưng rất hiệu quả). Với con mắt nhà nghề, Dương dò tìm đường đi của thú để đánh bẫy. Anh ta giăng gần 100 bẫy cò ke theo kiểu đánh chặn, cứ cách 10-20 m một bẫy và đánh úp vào phía bìa rừng bằng chục cái bẫy kẹp bằng sắt. Quả thật với kiểu giăng bẫy như Dương, chẳng may con thú rừng xấu số nào lạc chân đến trảng cỏ này sẽ không bao giờ thoát nổi. “Bây giờ kiểm lâm làm gắt quá nên tụi tôi chỉ đánh bẫy cò ke bắt thú nhỏ như thỏ, cheo, chồn, nhím… chứ trước đây khu vực này là nơi có rất nhiều voọc nên tập trung khá nhiều thợ săn chuyên nghiệp khắp nơi tìm về” - Dương cho hay.

“Ninja” thúc thủ

Đánh xong hệ thống bẫy quanh trảng cỏ, tiếng gà rừng đã gáy te te khắp nơi, đồng hồ chỉ gần 4 giờ sáng. Trên đường về, gã thợ săn còn tranh thủ bắn được thêm hai con vạc ăn đêm ở một đầm lầy ven đường mòn.


Dương cho biết trước đây anh được giới thợ săn luôn nể phục về khả năng “sát thú” nhưng giờ  anh đã “rửa tay gác bẫy” hơn nửa năm qua. Sở dĩ có chuyến đi rừng này là do có một người quen ở TP.HCM đặt anh bắt cho bằng được một con cù lần (cu li) về làm vật nuôi nên anh quyết định cho chúng tôi tháp tùng sau nhiều lần lỗi hẹn.

Gã thợ săn bật quẹt đốt thuốc rồi tâm sự: “Thật ra tôi bỏ nghề không phải vì yêu môi trường hay yêu động vật hoang dã gì cả mà giờ có 500 trụ thanh long rồi nên dại gì vào rừng để phiêu lưu”.

Thật vậy, gia đình Dương đã vay mượn để đầu tư 500 trụ thanh long, nếu được mùa, mỗi năm anh cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Theo Dương, nhờ có thanh long, rừng và thú rừng Takou không còn bị xâm hại như trước. “Có thu nhập, kinh tế ổn định thì chẳng ai dại gì đi phá rừng!” - gã thợ săn khét tiếng một thời khẳng định như đinh đóng cột.

Ngoài ra,  Dương kể, mới đây kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Takou bắt quả tang Nguyễn Văn Tân ở xã Bàu Trâm, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), người được giới thợ săn tôn sùng là “Ninja” của bóng đêm, khiến làng thợ săn rúng động phải lo tẩu tán đồ nghề. Gã thợ săn chưa đến 40 tuổi nhưng đầu đã muối tiêu nhếch mép cười khẩy: “Đối với tôi, kiểm lâm không sợ nhưng lại sợ bọn “trinh sát” nhóc con có mặt ngay trong nhà và xung quanh mình”. Về tới bìa rừng, Dương yêu cầu chúng tôi ngồi nghỉ mệt chờ cho các con cắp sách đến trường mới đưa chiến lợi phẩm là ba con chim vừa hạ được về nhà. “Đám con tôi mà thấy mấy con chim này thì thật là khó giải thích, có khi tụi nó còn nhìn tôi và mấy ông như tội phạm chứ chẳng chơi”…

Ông Mai Văn Quỳnh, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Takou, tâm sự giữ rừng, bảo vệ động vật hoang dã ở Takou là nhiệm vụ vô cùng vất vả và phức tạp bởi khu bảo tồn như một ốc đảo mà bốn mặt đều giáp với những bộ phận dân cư rất lớn.

Ông Quỳnh cũng thừa nhận chỉ có kinh tế mới quyết định rừng còn hay mất: “Theo quan điểm của tôi, khi người dân đã có việc làm, thu nhập ổn định thì rừng, thú rừng không có kiểm lâm bảo vệ cũng chẳng ai muốn xâm hại”.

Câu lạc bộ Chà vá chân đen


Ông Mai Văn Quỳnh, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Takou,  cho biết các “trinh sát” nhóc con mà gã thợ săn cảnh giác chính là các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Chà vá chân đen. (Chà vá chân đen là tên một loài voọc có trong Sách đỏ cần bảo tồn khẩn cấp mà hiện tại Takou có gần 200 cá thể.)

CLB Chà vá chân đen do khu bảo tồn và Trung tâm Đa dạng sinh học thuộc Viện Sinh học nhiệt đới và các thầy cô giáo cùng hàng ngàn học sinh THCS của các trường đóng trên địa bàn các xã bao quanh Khu bảo tồn Takou thành lập. Để trở thành thành viên CLB, các học sinh  đều được tập huấn một chương trình về đa dạng sinh học, ý nghĩa của việc cần phải bảo tồn và duy trì đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo vệ rừng, lên án với hành vi phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trong Khu bảo tồn thiên nhiên Takou.

Hàng ngàn thành viên CLB này chính là những “trinh sát” thầm lặng bảo vệ rừng bởi Khu bảo tồn thiên nhiên Takou chỉ có 18 kiểm lâm nhưng phải chịu trách nhiệm bảo vệ đến hơn 10.500 ha rừng.

Trong hai năm 2010-2011, đơn vị đã kiểm tra thu giữ, tiêu hủy hơn 5.000 bẫy thú rừng các loại trong khu bảo tồn và bắt quả tang hàng chục thợ săn chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Takou thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới mà Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đưa vào diện cần bảo tồn khẩn cấp. Hiện ngành NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến đưa Takou thành vườn quốc gia để có kế hoạch bảo vệ rừng, thú rừng ở đây toàn diện và quyết liệt hơn.


PHƯƠNG NAM

Theo Phapluattp.vn

Tin liên quan

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Con dâu livestreamm mẹ chồng bị tuyên phạt 24 tháng tù

Bởi admin Bình luận

[Lao Động] Cơ quan công an đã tịch thu các…

Xem Thêm
3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi đỗ sau sân bóng

Bởi admin Bình luận

3 bộ da và cặp đầu hổ trên chiếc taxi…

Xem Thêm

Cùng chúng tôi hành động ngăn chặn sự tuyệt chủng của
các loài động vật hoang dã

ENV nỗ lực hoạt động để chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam đang hủy hoại các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Với sự giúp đỡ của bạn, chúng tôi có thể tạo ra các tác động lớn hơn để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD.

1800 1522