Bảo vệ thú rừng được coi là cuộc chiến không bao giờ kết thúc...
Một nồi cao voọc đang bốc khói, người nấu cao này là chủ một quán ăn ở Ba Tơ, Quảng Ngãi,
đã mua ba con voọc chà vá chân đen với giá 5 triệu đồng - Ảnh: VIỄN SỰ
Ông Nguyễn Trọng Huynh - trạm trưởng Trạm kiểm lâm vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) - kể khi nhìn thấy bầy voọc chà vá chân đen bị hai thợ săn Đặng Minh Khắc và Nguyễn Phương Tuấn sát hại rồi rạch bụng, moi ruột (Tuổi Trẻ ngày 21-7), nếu không phải đang làm nhiệm vụ có lẽ mọi người đã cho cả hai no đòn bởi sự tàn nhẫn với bầy voọc.
Nhưng khi cả hai bị còng tay, lầm lũi bị áp giải gần nửa ngày để về tới trại tạm giam, ông Huynh nói cảm thấy rất mủi lòng. Không chỉ vì cái án tù mà Tuấn và Khắc sắp phải nhận, mà còn bởi gia cảnh họ quá nghèo. Khi khám hành trang đi săn, kiểm lâm chỉ thu được một bọc gạo, muối, ít cá khô và 60.000 đồng tiền lẻ. Số tiền ít ỏi đó, Tuấn và Khắc nói nếu săn trót lọt sẽ đủ để đổ xăng, chở voọc về tới quê nhà Ninh Hòa (Khánh Hòa), cách Núi Chúa 150km.
Người và thú đều khổTàn sát voọc để đổi lấy cuộc sống bớt bần hàn, Tuấn và Khắc tất nhiên không thể lấy điều đó để bào chữa cho hành vi dã man của mình, đồng thời đó cũng là điều vi phạm pháp luật. Nhưng câu chuyện đói nghèo, liều lĩnh săn bắn thú rừng trái phép của họ là một mẫu số chung mà trong hành trình qua các khu bảo tồn, vườn quốc gia chúng tôi đều thấy.
Câu chuyện nóng bỏng và đang rất thời sự đó chúng tôi đã ghi nhận tại Trà Bui (Bắc Trà My, Quảng Nam) từ rất nhiều năm trước cho đến tận hôm nay. Đó là gần 5.000 người dân khu tái định cư Trà Bui, sau khi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2 vẫn phải sống “tầm gửi” vào những cánh rừng nguyên sinh của khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, khi họ không thể mưu sinh bằng những gì mà khu tái định cư cấp cho.
Và không chỉ mỗi Trà Bui, người dân cũng phải sống dựa vào rừng ở hai khu tái định cư Cutchrun và Alua-Kala sau khi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2. Một vòng luẩn quẩn ở những nơi này: thủy điện làm người dân đói nghèo vì mất kế mưu sinh, và rồi họ gây áp lực với gỗ và thú rừng.
Ông Trần Văn Thu, nguyên giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nói thủy điện Sông Tranh 2 và chi chít những thủy điện khác ở thượng nguồn Thu Bồn và Vu Gia đã dồn thú rừng vào những khu bảo tồn. Nhưng không tái định cư ổn định được cho người dân, thủy điện đã đẩy luôn người dân và thú rừng vào thế “đối đầu” trong cuộc chiến sinh tồn ngay tại các khu bảo tồn. Dĩ nhiên phần thắng luôn thuộc về con người. Và vòng luẩn quẩn ấy đã gây nên hệ quả mà ông Thu minh chứng bằng hàng trăm kilôgam bẫy dây, bẫy kẹp, lên tới cả ngàn chiếc từ nhà kho của khu bảo tồn.
“So le” chính sáchCon sơn dương ở rừng A Lưới được cứu sống dù mắc bẫy kẹp đứt gần lìa guốc chân trái trong phóng sự “Những bức ảnh nhói lòng từ rừng xanh” (Tuổi Trẻ 22-7) là một trong những con thú dính bẫy may mắn nhất ở các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Bởi không phải nơi nào cũng có đầy đủ nhân lực và phương tiện để giải cứu thú rừng như ở khu bảo tồn sao la A Lưới. Từ đầu năm 2011, khi vùng rừng 12.000ha có độ đa dạng sinh học cao nhất trong các khu bảo tồn dọc đường Hồ Chí Minh này đã được Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) hỗ trợ kinh phí thành lập khu bảo tồn sao la A Lưới thì việc săn bắt thú rừng giảm hẳn. Khu bảo tồn này hiện có bốn nhóm tuần tra với hơn 20 thành viên, thường xuyên tuần tra trong rừng sâu 22 ngày/tháng, với mức lương từ 7 triệu đồng/người/ tháng trở lên. Mỗi tháng các nhóm tuần tra ở A Lưới gỡ gần 1.500 chiếc bẫy thú và giải thoát nhiều thú rừng mắc bẫy. Nếu không, có lẽ sẽ có rất nhiều thú rừng bị đưa lên bàn nhậu.
Nhưng chỉ cách A Lưới hơn 70km, khu bảo tồn thiên nhiên Đắkrông (Quảng Trị) lại rơi vào tình cảnh trái ngược hoàn toàn. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc thịt rừng được bày bán ở nhiều nơi trên đường Hồ Chí Minh và đường 9, ông Hoàng Ngọc Tiến - giám đốc kiêm hạt trưởng Hạt kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên Đắkrông - thừa nhận: “Chi chứ chuyện săn bắn với khai thác gỗ là chắc chắn phải có, anh em chỉ hạn chế chứ không mần răng xử lý triệt để được”. Ông Tiến đưa ra so sánh: diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên Đắkrông (trên 42.000ha) rộng hơn bốn lần A Lưới, cộng thêm vùng đệm sẽ hơn 50.000ha. Nhưng Đắkrông chỉ có ba trạm với 16 nhân viên, trong đó chỉ sáu người có biên chế, còn lại là hợp đồng (không có trang phục chuẩn và không được sử dụng công cụ hỗ trợ). “Chừng nớ người răng tuần tra cho xuể được” - ông Tiến bày tỏ khó khăn.
Tương tự, nghe chúng tôi kể về mức lương 7 triệu đồng/người/tháng của các nhân viên tuần tra ở khu bảo tồn sao la A Lưới, ông Nguyễn Trọng Huynh nói đó mãi là con số mơ ước của anh em kiểm lâm và cán bộ vườn quốc gia Núi Chúa. Ông Huynh cho biết ngoài lương tháng, một chuyến tuần tra (ít nhất 2-3 ngày) mỗi kiểm lâm chỉ được hỗ trợ 50.000 đồng. “Chừng đó chưa đủ cho anh em mua thêm gạo, mắm chứ nói gì đến việc bù đắp máu và mồ hôi của anh em chống chọi với thợ săn, lâm tặc” - ông Huynh bày tỏ.
Và có lẽ câu chuyện về sự “so le” trong chế độ, chính sách đãi ngộ với những cán bộ, kiểm lâm bảo vệ rừng ấy cũng đang tạo thêm sự phong phú cho cái vòng luẩn quẩn trong việc bảo vệ thú rừng.
VIỄN SỰ - TẤN VŨ
Theo
Tuoitre.vn